Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do bệnh dại cao.
Số người đi tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 – 15 ngày. Nhiều trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Theo báo cáo từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh, thành phố, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, cả nước ghi nhận 674.888 người đi tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại và không có trường hợp nào bị tử vong do bệnh dại sau khi được điều trị dự phòng. Số người đi tiêm vaccine phòng bệnh dại trong năm tăng 45% so với năm 2022 (465.824 người). Miền Nam có số người đi tiêm vaccine phòng dại cao nhất trên cả nước, chiếm 65,3%. Trong 2 tháng đầu của năm 2024, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế có đã văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo đơn vị, địa phương tập trung phòng, chống bệnh dại.
Theo đó, các địa phương thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh chủ động giám sát chặt chẽ trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng, các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.
Các địa phương đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vaccine phòng dại về kỹ năng tư vấn, xử trí trường hợp bị động vật cắn.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.
Các địa phương tăng cường truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, trực tiếp và qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Cách xử trí vết thương khi bị chó, mèo cắn
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với virus dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thường là các loài động vật có vú như chó, mèo, dơi, cáo… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại trên toàn thế giới. Hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở các nước nghèo, vì không kiểm soát được bệnh dại ở chó, mèo.
Bệnh dại gồm các giai đoạn bệnh như sau: Giai đoạn ủ bệnh: Trung bình 20 – 60 ngày, nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau (y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 19 năm). Thời kì ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.
Giai đoạn khởi phát: Thường từ 2 – 10 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
Giai đoạn toàn phát hoặc “giai đoạn viêm não” thường có biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt kiểu hướng lên (hội chứng Landly) và thể hung dữ chiếm 80%. Giai đoạn này thường kéo dài 2 – 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.
Việc chẩn đoán bệnh dại thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.
Để chẩn đoán chính xác bệnh dại ngoài các biểu hiện, yếu tố dịch tễ, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm. Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập virus hoặc phát hiện RNA virus bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) từ nước bọt, dịch não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút, có thể dùng thêm xà phòng để rửa vết thương, phải lấy hết dị vật và mô dập nát (nếu có).
Sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch i ốt, không nên khâu kín da. Nếu buộc phải khâu da, thì phải tiêm huyết thanh kháng dại vào vết thương và trì hoãn việc khâu vết thương ít nhất vài giờ.
Nếu vết thương xuyên thấu, chảy máu, vị trí ở đầu, mặt, cổ và bộ phận sinh dục thì phải dùng huyết thanh kháng dại tiêm sâu bên trong và xung quanh vết thương. Ngoài ra, cần tiêm phòng bệnh uốn ván, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết thương (nếu có chỉ định).
Nguồn: Bích Thủy (TTXVN)