TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

Hỏi đáp về bệnh cúm mùa

1. Bệnh cúm mùa là gì?

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên, chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2, H1N1), cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng, có thể gây thành dịch, đại dịch.

Tại Việt Nam, bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào mùa đông xuân.

2. Cúm mùa lây truyền qua đường nào?

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang vi rút cúm có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

3. Biểu hiện của bệnh cúm mùa?

Bệnh cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng các triệu chứng của cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm phải vi rút cúm) và thường nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm.

Các triệu chứng của cúm có thể gồm:

  • Sốt, ớn lạnh, nhức đầu, nhức cơ, chóng mặt
  • Chán ăn, mệt mỏi
  • Ho, đau họng, chảy mũi
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Có thể gây viêm tai
  • Tiêu chảy

4. Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không?

Bệnh cúm mùa nguy hiểm do tính lây lan nhanh và có thể gây thành dịch ở các mức độ khác nhau; bệnh có thể gây tử vong, đặc biệt ở nhóm đối tượng như người già >65 tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mãn tính.

Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều đợt cúm do các chủng vi rút cúm A gây nên, làm tử vong tới hàng trăm ngàn người.

5. Những ai có thể mắc cúm mùa?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh cúm mùa, trong đó có nhóm nguy cơ cao mắc cúm mùa bao gồm:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Người từ 65 tuổi trở lên.
  • Người mắc bệnh mạn tính: tim mạch, hen, COPD, đái tháo đường, ung thư, gan, thận, suy giảm miễn dịch, bệnh về máu…
  • Phụ nữ có thai.
  • Nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân.
Hỏi đáp về bệnh cúm mùa 2

6. Tại sao dễ mắc cúm vào mùa lạnh?

Bệnh cúm là bệnh lây qua đường hô hấp. Trong điều kiện lạnh và ẩm thấp, các tế bào hô hấp của người dễ bị tổn thương, tạo điều kiện tốt cho bệnh cúm phát triển. Vi rút cúm dễ bị diệt ở nhiệt độ cao (vài chục phút ở 56°C) nhưng lại có thể tồn tại lâu trong thời tiết lạnh. Vì vậy, dịch bệnh thường bùng phát vào cuối thu, đầu đông ở Việt Nam. Riêng vi rút cúm H5N1 có thể sống sót lâu hơn trong điều kiện môi trường lạnh khô và cả nóng ẩm.

7. WHO, CDC, Bộ Y tế khuyến cáo gì về dự phòng cúm mùa?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: nên tiêm 01 liều vắc xin cúm 01 lần/năm

Vắc xin cúm sản xuất đã được cập nhật để phù hợp hơn với chủng vi rút lưu hành.

Tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú giúp bảo vệ cả mẹ và con, không gây bất lợi cho phôi thai và không ảnh hưởng đến người mẹ.

Quyết định số 2078/QĐ-BYT ngày 23/06/2011 của BYT khuyến cáo: nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm, các nhóm nguy cơ cao nên được tiêm phòng.

8. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm mùa?

Tiêm phòng cúm rất quan trọng đối với mọi người, nhất là nhóm nguy cơ cao. Tiêm phòng vắc xin cúm không những giúp giảm nguy cơ mắc cúm mà còn giảm nguy cơ mắc các biến chứng nặng, nguy cơ nhập viện và tử vong. Vì vậy, mọi người cần thực hiện việc tiêm ngừa cúm hằng năm.

9. Tiêm ngừa vắc xin cúm được khuyến cáo cho nhóm đối tượng nào?

Nên tiêm vắc xin cúm hàng năm, tốt nhất tiêm vắc xin trước khi bệnh cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. CDC khuyến cáo mọi người nên chủng ngừa cúm vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, tiêm phòng vẫn có thể tiêm vắc xin trong suốt mùa cúm, kể cả vào tháng 01 hoặc muộn hơn.

Hỏi đáp về bệnh cúm mùa 3

Đặc biệt các nhóm nguy cơ cao nên được tiêm ngừa:

– Trẻ >6 tháng tuổi.

– Phụ nữ có thai (quan trọng nhất).

– Trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt 6 – 23 tháng).

– Người già.

– Người có bệnh lý mạn tính:

+ Bệnh phổi mãn tính (Hen, COPD).

+ Bệnh tim mạch.

+ Bệnh chuyển hoá mạn tính như đái tháo đường.

+ Suy giãm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc bệnh (HIV).

+ Bệnh suy thận mạn.

11. Lịch tiêm phòng vắc xin ngừa cúm?

Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin ngừa cúm: tiêm 02 mũi cơ bản cách nhau 1 tháng và tiêm nhắc 01 mũi hàng năm.

Trẻ dưới 9 tuổi đã từng tiêm vắc xin ngừa cúm, trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 01 mũi cơ bản và tiêm nhắc 01 mũi hàng năm.

12. Tiêm vắc xin ngừa cúm ở phụ nữ có thai và cho con bú có bị ảnh hưởng gì không?

Tiêm chủng vắc xin giúp bảo vệ phụ nữ có thai cả trong và sau khi mang thai, giúp bảo vệ trẻ sinh ra khỏi bị bệnh cúm nhờ kháng thể của mẹ truyền sang con trong quá trình mang thai.

Có thể tiêm vắc xin cúm bất hoạt vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Dữ liệu về tính an toàn khi dùng vắc xin này vào 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối thai kỳ nhiều hơn dữ liệu về tính an toàn khi dùng vắc xin này trong 3 tháng đầu thai kỳ; tuy nhiên; các dữ liệu toàn cầu cho thấy sử dụng vắc xin cúm bất hoạt không gây biến cố bất lợi cho phôi thai và kết quả thai kỳ do việc chủng ngừa vắc xin cúm bất hoạt gây ra.

Phụ nữ đang cho con bú: có thể dùng vắc xin ngừa cúm khi đang cho con bú sữa mẹ. Không có bằng chứng nào về sự nguy hiểm đối với trẻ còn bú mẹ khi mẹ tiêm vắc xin ngừa cúm.

13. Sau khi tiêm vắc xin ngừa cúm thời gian bao lâu thì hiệu quả?

Sau khi tiêm vắc xin cúm, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để bảo vệ phòng bệnh cúm. Bất kỳ thành phần nào của vắc xin cũng không thể gây ra bệnh cúm sau khi tiêm ngừa.

Khoảng 2 -3 tuần sau khi tiêm vắc xin, sẽ có hiệu quả phòng bệnh cúm với các chủng vi rút có trong vắc xin. Vắc xin không có hiệu quả bảo vệ phòng cúm với các chủng vi rút không có trong vắc xin.

Thời gian duy trì miễn dịch của vắc xin thường tồn tại từ 6 -12 tháng. Hơn nữa các chủng vi rút cúm rất nhiều, lây truyền nhanh chóng và thường xuyên thay đổi hàng năm. Vì vậy, phải tiêm phòng cúm hàng năm.

Bệnh cúm thường ủ bệnh trong vài ngày, nếu tại thời điểm tiêm vắc xin cúm bệnh nhân đã nhiễm cúm thì sau khi tiêm vắc xin vẫn có thể bị bệnh.

Vắc xin không có khả năng bảo vệ phòng ngừa cảm lạnh (cảm lạnh có các triệu chứng thường giống với bệnh cúm).

14. Tiêm vắc xin ngừa cúm ở đâu?

Có thể tiêm ngừa cúm tại tất cả các điểm tiêm ngừa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin, trong đó có CƠ SỞ TIÊM CHỦNG VẮC XIN- BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA là cơ sở tiêm AN TOÀN, đặc biệt là đối với các đối tượng có bệnh lý kèm theo.

Ghé ngay CƠ SỞ TIÊM CHỦNG VẮC XIN- BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA để được khám và tư vấn MIỄN PHÍ cùng bác sĩ chuyên khoa.

AN TOÀN- CHẤT LƯỢNG- HIỆU QUẢ- GIÁ TỐT!

Lịch làm việc: Thứ 2 – thứ 6: 07h00 – 11h30, 13h30 – 17h00

                        Thứ 7: 08h00 – 11h30, 13h30 – 17h00

                        Chủ Nhật: 08h00 – 11h30

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ 091 187 4949 – 091 173 6188

Hân hạnh được phục vụ quý khách./.

———————

CƠ SỞ TIÊM CHỦNG VẮC XIN – BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Cổng cấp cứu, 19 Yersin, Lộc Thọ, Nha Trang

091 187 4949 – 091 173 6188

Zalo: 091 187 4949 – TIÊM CHỦNG BVĐK KHÁNH HÒA

www.benhvienkhanhhoa.org.vn

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare