Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện (BV) liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân (BN) trong tình trạng nguy kịch, thậm chí đã có trường hợp tử vong do tâm lý ngại không dám đến BV vì sợ lây nhiễm COVID-19.
Tử vong vì ngại đến BV
BS CKII. Vương Trung Kiên – Giám đốc BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, BV vừa tiếp nhận một nam BN 64 tuổi, từng bị Gout mạn tính, viêm loét dạ dày, suy thận mạn tính, không có tiền sử dịch tễ liên quan đến COVID-19. Trước đó, BN vì lo sợ dịch bệnh nên không đến cơ sở y tế để thăm khám định kỳ, mà tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua trên mạng.
Khi sức khoẻ quá yếu, có biểu hiện nôn ra máu, tím tái, BN mới tới viện cấp cứu. Tại BV, BN đã ngưng thở, ngưng tim, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Ngay lập tức BN được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, sonde dạ dày… Sau 15 phút cấp cứu, BN có mạch trở lại, sonde dạ dày ra khoảng 500ml máu đỏ tươi. Tuy nhiên, do lượng máu mất quá lớn, BN đến viện quá muộn nên đã không qua khỏi dù đã được cấp cứu tích cực.
Ngay lập tức BN được cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, sonde dạ dày… Sau 15 phút cấp cứu, BN có mạch trở lại, sonde dạ dày ra khoảng 500ml máu đỏ tươi. Tuy nhiên, do lượng máu mất quá lớn, BN đến viện quá muộn nên đã không qua khỏi dù đã được cấp cứu tích cực.
Trường hợp nữa cũng đến BV muộn do ngại dịch COVID-19 là cháu Nguyễn B.A. 7 tuổi huyện Lập Thạch – Vĩnh Phúc. Cháu A, bị quả cầu lông đập vào mắt trái khi đang xem đánh cầu lông.
Sau đó mắt trái đau nhức, nhìn mờ. Do lo ngại COVID-19 nên bố mẹ không đưa đi khám. Đến ngày thứ 4 không đỡ, ngày càng đau nhiều hơn nên người nhà đưa cháu đến BVĐK tỉnh Phú Thọ. Cháu A. nhập viện trong tình trạng mắt trái đau nhức, nhìn mờ, thị lực chỉ phân biệt được sáng tối, máu đầy tiền phòng; được chẩn đoán mắt trái xuất huyết nội nhãn sau chấn thương…
BS CKI. Hà Thị Dung – Khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết, người dân khi bị bệnh không nên sợ mà không đến BV khám dẫn đến bệnh ngày càng nặng.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, hiện có 2 thái cực xảy ra, đó là nhiều người sợ không dám đến BV, ngược lại, nhiều người chỉ mới có triệu chứng sốt, ho, đau họng… dù không có tiền sử dịch tễ liên quan đến vùng dịch đã lập tức đến BV khám, vì lo mình bị nhiễm COVID-19 cũng là điều không nên.
Để tránh lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở y tế, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu lưu ý, BN trước khi đến BV nên gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được khuyến cáo đến BV sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến BV sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa. Nếu bệnh nhân đến BV đông quá, nơi khám sàng lọc quá tải cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngược lại, bệnh nhân nặng vì lo sợ, không tới BV sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Thanh Loan – Hồng Hà
(Sức khỏe và Đời sống)