QUẢNG NINH – 11 giờ đêm, trời mưa lạnh, bác sĩ Tuệ cùng 21 nhân viên y tế rọi đèn pin đi lấy mẫu xét nghiệm từng người ở ổ dịch Đông Triều.
Đêm 28/1, bác sĩ Vũ Trí Tuệ, 31 tuổi, khoa Nội tiết, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chỉ huy các y bác sĩ “cuốc bộ” đến từng nhà để truy vết và lấy mẫu xét nghiệm ở Đông Triều. Đây là cụm dịch thứ hai ở Quảng Ninh có trường hợp liên quan đến ca nhiễm ở Công ty Poyun tại thành phố Chí Linh, Hải Dương.
Không phải lần đầu tiên anh Tuệ đi chống dịch, nhưng là lần đầu bị huy động khẩn cấp. “Từ lúc điều động đến lúc xuất phát chỉ vỏn vẹn 30 phút”, anh nói. Hành trang anh mang theo chỉ có chiếc áo khoác và sạc điện thoại.
Đợt dịch đầu tiên là lúc vợ anh đang mang thai, lần hai thì vợ sinh con được ba ngày và hiện em bé mới được 6 tháng. Song, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách. Không ngại vất vả hay nguy hiểm, điều anh lo lắng là bỏ sót người nghi nhiễm hoặc xác minh nhầm đối tượng khiến tình hình dịch bệnh ở Quảng Ninh thêm phức tạp.
Cùng nhóm với anh còn có bác sĩ Phạm Thị Nhinh, 28 tuổi, cũng chỉ kịp mang theo bộ quần áo đi chống dịch. Chị kể, bình thường đi xa sẽ phải mang nhiều vật dụng cá nhân, nhưng chuyến công tác này xảy đến khi “đầu trống rỗng, chưa định hình được gì”. Nhiều người có gia đình còn chưa kịp chào con trước khi lên đường. Bác sĩ Nhinh cũng chưa kịp thông báo cho bố mẹ về chuyến đi “chưa biết ngày về”.
Chuyến xe 22 nhân viên y tế ở Bệnh viện Việt Nam Uông Bí – Thuỵ Điển đến ổ dịch Đông Triều khi trời đã tối muộn. Tổ công tác nhanh chóng khoác đồ bảo hộ, bên trong chỉ có một lớp áo mỏng để di chuyển được dễ dàng. Đoàn người chia thành từng nhóm nhỏ, băng qua nhiều đoạn đường vắng, gió hút, không có đèn đường.
Theo bác sĩ Tuệ, đa số người dân đều hợp tác song quá trình truy vết ban đêm kéo dài hơn bình thường, nhân viên truy vết phải rất kiên nhân. Người dân có tâm lý lo lắng “nghĩ phải đi cách ly thì mất Tết” hoặc sợ lây nhiễm từ y bác sĩ nên chần chừ, khai báo kéo dài.
Đêm 28/1 cũng là thời điểm vất vả nhất kể từ lúc bùng dịch. Mọi người không uống nước trong gần 10 tiếng hay ăn uống giữa giờ, tránh lãng phí đồ bảo hộ.
“Lực lượng mỏng, các ca bệnh lại ngày một nhiều buộc tổ truy vết phải khẩn trương để thu gọn đối tượng, dập dịch một lúc, giảm tải công việc cho các bác sĩ tuyến đầu”, bác sĩ Tuệ nói.
Khó khăn khác là địa điểm truy vết. Vùng Đông Triều rộng lớn, nhiều nhà cách nhau từ 100 đến 200 m nên cần hỗ trợ của địa phương. Mọi người phải tận dụng thêm đèn pin và đèn điện thoại để soi đường.
Khi đến nơi, bác sĩ sẽ gọi từng người ra khu vực rộng rãi hơn như sân, vườn vì không thể thực hiện trong nhà, nguy cơ lây nhiễm lớn. Dưới ánh đèn cột điện hoặc ánh sáng hắt ra từ trong nhà, mọi người miệt mài xét nghiệm và ghi chép số liệu. Mục tiêu là phải truy vết tối đa từ F1 đến F4 ngay trong đêm.
“Trong đêm tối, chẳng ai nhìn rõ mặt ai, mọi người dùng ánh mắt cử chỉ để giao tiếp rồi nối sát nhau đến từng nhà chống dịch”, bác sĩ Tuệ chia sẻ. “Làm nhanh, làm nhiều nhưng phải chính xác”, anh nói.
Sáng hôm sau, bệnh viện tiếp tục cử 60 cán bộ, nhân viên y tế gồm 10 bác sĩ, 50 điều dưỡng đến 4 xã Nguyễn Huệ, An Sinh, Hồng Phong, Thủy An thuộc thị xã Đông Triều để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Bệnh viện chi viện thêm nhiều vật dụng cá nhân để nhân viên y tế yên tâm công tác chống dịch.
Kết quả sau 4 ngày, 82 nhân viên y tế tham gia truy vết, lấy gần 5.000 mẫu. Các mẫu bệnh phẩm này tiếp tục được chuyển đi các đơn vị có đủ điều kiện sàng lọc và khẳng định Covid-19 trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hơn 10 năm trong nghề cũng là 10 năm bác sĩ Tuệ xung phong trực Tết, song Tết năm nay, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh vẫn phải tiếp tục cách ly theo quy định.
“Vất vả nhưng cũng là vinh dự khi đứng trong lực lượng tuyến đầu và là chỗ dựa cho người dân”, bác sĩ Tuệ nói. “Nếu không yêu nghề thì không thể làm được”.
Khác với bác sĩ Tuệ, đây là lần đầu bác sĩ Nhinh phải trực Tết xa nhà. Chị luôn được bệnh viện ưu tiên cho về quê ở Thái Bình vì gia đình neo người, mẹ đang bệnh. Vì vậy, trước lúc lên đường, chị có chạnh lòng song cũng tự trấn tĩnh, nghĩ nhiều người còn khổ hơn. “Thương bố mẹ, thương người dân và những người đang cách ly vì dịch bệnh, tôi càng quyết tâm lên đường”, bác sĩ Nhinh trải lòng.
Quần quật công việc xuyên đêm, mọi người trở về phòng nghỉ ngơi, thay ca. Ai nấy toàn thân ướt đẫm, hai mắt trùng xuống vì thiếu ngủ. Nhiều người phồng rộp chân và đau nhức vì đi cả đêm nhưng vẫn luôn cười nói động viên nhau.
Ăn vội mẩu bánh mì, họ tranh thủ tựa đầu vào tường chợp mắt. Bác sĩ Nhinh tranh thủ gọi điện dặn dò bố mẹ yên tâm. Lặng người đi vài giây, cô chợt nhận ra hôm nay đã là 20 Tết.
Thùy An
(Vnexpress)