Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết không chỉ lây lan nhanh việc chuyển nặng của biến chủng Delta cũng gây khó khăn rất nhiều cho ngành y tế. Vì thế, việc điều trị sẽ có những can thiệp sớm hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TPHCM, rất khó nói dịch Covid-19 tại TPHCM đã đỉnh hay chưa. Nếu TP áp dụng nghiêm Chỉ thị 16 trong 2 tuần tới thì số mắc sẽ giảm. Việc phải làm lúc này là giảm thiểu tác hại của dịch Covid-19 với TP bằng cách tăng cường các nguồn lực về thu dung bệnh nhân, điều trị cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ.
Chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch cũng đã có rất nhiều sự thay đổi, từ cập nhật các y văn, nghiên cứu, khuyến cáo của các tài liệu khoa học cũng như của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó là các kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam.
“Với chủng virus Delta này, chúng ta được biết sự lây lan đã rất nhanh nhưng việc chuyển nặng của biến thể này cũng gây rất nhiều khó khăn cho ngành y tế. Đặc biệt có những bệnh nhân từ không triệu chứng chuyển thành nặng chỉ sau vài giờ. Vì thế, việc theo dõi, chăm sóc là hết sức quan trọng, đặc biệt là các bệnh viện tầng 1, tầng 2”, Thứ trưởng nói.
Về cơ chế bệnh sinh, các nhà khoa học đã phát hiện có nhiều sự thay đổi, nên việc điều trị sẽ có những can thiệp sớm hơn. Ví dụ bình ôxy sẽ được trang bị cho tất cả các cơ sở thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, cũng sẵn sàng hệ thống thở với ôxy dòng cao và các máy thở hiện đại để sử dụng sớm, tránh cho người bệnh bị suy hô hấp.
Bên cạnh đó, có một số loại thuốc trước đây sử dụng ở giai đoạn muộn hơn nhưng bây giờ đã được khuyến cáo sử dụng ở giai đoạn sớm như thuốc kháng đông, thuốc corticoid. Các loại thuốc khác như kháng sinh, kháng nấm, hệ thống lọc máu liên tục, hệ thống hỗ trợ hồi sức… cũng sẽ được đưa vào sử dụng sớm cho người bệnh.
Hiện nay với TPHCM việc truy vết không đặt nặng mà mục tiêu là tập trung cho điều trị để cứu chữa các bệnh nhân, bảo vệ những người có bệnh lý nền, người già, giảm tỉ lệ tử vong.
“Công tác tiếp nhận người bệnh tại các cơ sở ban đầu, các cơ sở điều trị vẫn phải tăng cường thêm nhân lực, trang thiết bị. Hiện tại một số bệnh viện rất khó khăn về nhân lực, đặc biệt ở các bệnh tuyến quận, huyện. Trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế vẫn phải tiếp tục cố gắng, chiến đấu để bảo vệ các bệnh nhân”, Thứ trưởng Sơn nói.
Bộ Y tế đã có kế hoạch điều động nhân lực từ các địa phương trên toàn quốc, những nơi chưa có dịch nặng sẽ hỗ trợ chi viện cho TPHCM. Bên cạnh đó các bệnh viện trung ương ở miền Nam, miền Bắc cũng đã có kế hoạch điều động một số nguồn nhân lực để chi viện cho cả hệ thống điều trị Covid-19 của TPHCM.
“Tất cả chúng ta cùng nhau đoàn kết để đảm bảo sự chăm sóc cho người dân, người bệnh, hỗ trợ cho những người mắc Covid-19 kể cả trong các cơ sở tập trung cũng như tại nhà để đem lại sự an toàn nhất cho người dân TPHCM”, Thứ trưởng chia sẻ.
Theo thống kê đến chiều 28/7, TPHCM đã cách ly tại nhà được hơn 37.000 F0 và F1. Sắp tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phân loại F0 để giảm tải cho hệ thống y tế.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và lan rộng trong cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cũng đã quyết định chuyển đổi sang mô hình tháp 5 tầng trong thu dung điều trị các trường hợp F0. Theo đó, tầng mới nhất là tầng một là các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện chống dịch có mặt tại TPHCM
TPHCM đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số gần 4.000, trong đó: 700 bác sĩ, hơn 1.500 điều dưỡng, 78 kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế khác và hơn 1.600 sinh viên. Số nhân lực này hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc: điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, các bệnh viện thu dung dã chiến và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ngoài lực lượng chi viện trên, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng ký và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại TPHCM sớm nhất có thể. Đã có hơn 2.000 người đăng ký tham gia tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
2 bệnh nhân nặng được rút máy thở tại BV TP Thủ Đức
Chiều 28/7, BSCK2 Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM cho biết, tại đây vừa có 78 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, 2 ca nặng được rút nội khí quản. Đây là tín hiệu vui, giúp các bác sĩ tiếp tục vượt qua những khó khăn để nỗ lực cứu sống người bệnh, đưa người bệnh khỏe mạnh trở lại và xuất viện về với gia đình.
Bệnh viện đang hoạt động theo mô hình “bệnh viện tách đôi” để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 song song với điều trị bệnh thông thường. Khu điều trị này được thành lập từ tòa nhà 7 tầng, tách biệt với các khu nhà thuộc khối điều trị bệnh thông thường. Các trường hợp Covid-19 có tình trạng bệnh nhẹ đến trung bình, hoặc có bệnh nền được bố trí điều trị tại các tầng 4, 5 và 6. 2 tầng lầu gồm tầng một và tầng 3 được bố trí trở thành các khoa Hồi sức Covid-19 tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân nặng
Nam Phương
(Báo Dân trí)