TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA: SA TẠNG CHẬU Ở PHỤ NỮ

Sa tạng chậu là hiện tượng các cơ và dây chằng có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu bị suy yếu, khiến các cơ quan này trượt khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến hiện tượng sa tử cung, bàng quang hoặc trực tràng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng này có thể tiến triển nhanh và biến chứng nguy hiểm.

Theo một nghiên cứu mới nhất ở Mỹ cho biết, có khoảng 400.000 ca phẫu thuật trong một năm với chẩn đoán rối loạn chức năng sàn chậu. Ở Việt Nam, 30% – 50% phụ nữ trong độ tuổi 15 – 60 tuổi (từng sinh đẻ) bị sa tạng.

Nhiệm vụ chính của cơ sàn chậu là giữ cho các cơ quan nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi vận động, chạy nhảy hoặc làm việc nặng; đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo và hậu môn, kiểm soát hoạt động tiểu tiện và đại tiện theo ý muốn; giúp đời sống tình dục thăng hoa, quá trình sinh nở dễ dàng…

Triệu chứng thường gặp

Các dấu hiệu của sa tạng chậu xuất hiện dần dần, giai đoạn đầu khó nhận biết. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm giác có khối phình ra bên trong âm đạo. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện như:

  • Cảm giác căng tức và nặng ở vùng bụng dưới, vùng chậu;
  • Cảm giác sưng ở âm đạo, có khối u lồi ra bên ngoài âm đạo;
  • Triệu chứng đau lưng tăng dần trong ngày;
  • Tiểu không kiểm soát;
  • Khó tiểu tiện, đại tiện;
  • Bất tiện trong đi lại hoặc ngồi;
  • Chảy máu, tăng tiết dịch âm đạo (mặc dù không phải chu kỳ kinh nguyệt);
  • Không thể hoặc gặp khó khăn khi quan hệ tình dục.

Nguyên nhân gây sa tạng chậu

Thường gặp nhất là do quá trình mang thai và sinh nở. Bởi khi mang thai từ 3 tháng cuối trở đi thì sức nặng khối thai nhi – tử cung và tăng áp lực đè lên sàn chậu của quá trình chuyển dạ sinh, các cân cơ có nhiệm vụ hỗ trợ nâng đỡ cơ quan vùng chậu sẽ giãn ra hết mức có thể để việc sinh nở dễ dàng, tuy nhiên chính điều này cũng làm cho các cân cơ nhanh chóng yếu đi hoặc bị tổn thương đứt rách.

Một nguyên nhân khác phải kể đến là sự sụt giảm nồng độ hormone nữ Estrogen trong giai đoạn trước và sau mãn kinh, khiến cơ thể thiếu hụt lượng collagen cần thiết để liên kết các mô vùng chậu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gồm:

  • Bệnh lý ho mạn tính hoặc sự gắng sức, rặn mạnh do táo bón;
  • Sang chấn sản khoa như rặn khi cổ tử cung mở chưa trọn, sinh thủ thuật bị sang chấn hoặc rách tầng sinh môn nhưng không được phục hồi đúng mức;
  • Các mô nâng đỡ suy yếu khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh;
  • Tình trạng thừa cân hoặc béo phì, có u xơ lớn hoặc có tiền sử từng phẫu thuật vùng chậu;
  • Làm các công việc nặng nhọc hoặc gắng sức;
  • Các cân cơ và dây chằng sàn chậu yếu bẩm sinh.

Điều trị sa tạng chậu:

Theo như BS. Phạm Văn Trung – Khoa Phụ sản – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đối với các trường hợp sa tạng chậu nhẹ, người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa, không cần sử dụng phương pháp phẫu thuật. Điều trị nội khoa bao gồm các bài tập sàn chậu giúp tăng cường cân cơ vùng chậu. Trong trường hợp nặng, cần sử dụng đến phương pháp phẫu thuật để phục hồi lại cấu trúc nâng đỡ

Cách phòng tránh

Để chăm sóc tốt sức khỏe sàn chậu, cũng như phát hiện bệnh sớm và có hướng can thiệp điều trị kịp thời, khuyến cáo chị em phụ nữ nên:

  • Thăm khám sức khỏe phụ khoa, đặc biệt là khám sàn chậu định kỳ 6 tháng/lần. Trường hợp điều trị bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi tiến triển bệnh, góp phần điều trị hiệu quả và chăm sóc tốt nhất.
  • Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng sai liều lượng được chỉ định.
  • Thực hiện đúng cách các bài tập phục hồi sàn chậu theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều rau củ quả, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng táo bón.
  • Có lối sống sinh hoạt lành mạnh, nhất là không hút thuốc lá vì có thể gây ra chứng ho mạn tính.
  • Duy trì mức cân nặng cân đối, phù hợp, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.

Trung tâm dịch vụ Y tế – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa

Cổng số 4, 19 Yersin, Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa

0911874978 – 0911736188

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare