TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

“Alo alo, hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân nguy kịch… Chuẩn bị ép tim”

Những giọt mồ hôi hiện rõ đằng sau những tấm chắn giọt bắn, BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và đồng đội không giấu được nụ cười hạnh phúc sau khi giành giật thành công hơi thở cho 2 ca nguy kịch.

Nghẹt thở khoảnh khắc “giật” hơi thở cho người bệnh

Bên trong nhà N4 – một trong những khu điều trị hồi sức cho người bệnh COVID-19 nguy kịch của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc BV Hữu nghị Việt Đức đặt tại BV Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) âm thanh thiết bị đo chỉ số sinh tồn của bệnh nhân xen kẽ tiếng bộ đàm vang khắp khu nhà. Đó là “mệnh lệnh” tập hợp nhân sự của bác sĩ phụ trách khu điều trị được kết nối liên tục để kịp thời xử lý mọi tình huống nhanh nhất.

Nghẹt thở giây phút "giành giật" hơi thở cho 2 ca bệnh COVID-19 nguy kịch - Ảnh 2.
Cận cảnh ca ép tim giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nguy kịch.

“Alo, alo, hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân nguy kịch…”, trong nháy mắt, 2 “team” bác sĩ tập trung 2 giường bệnh ở một góc giữa khu nhà N4. Đó là 2 bệnh nhân nằm tại giường G43 và G46 đang diễn biến rất nguy kịch. Trên màn hình chiếc máy hiện các chỉ số nhịp tim, SPO2, đường mạch… cũng bắt đầu “đi ngang”.

Giọng bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Trung tâm Gây mê Hồi sức (BV Việt Đức) vang lên rành rọt: “Chuẩn bị ép tim…”.

Không khí căng thẳng đến nghẹt thở, cả bác sĩ có mặt, mỗi người một vai trò, trong phút chốc, những chỉ số mạch, SPO2, huyết áp… chuyển từ màu đỏ, thành vàng và xanh… Tất cả thở phào nhẹ nhõm.

Những giọt mồ hôi hiện rõ đằng sau những tấm chắn giọt bắn, BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và đồng đội không giấu được nụ cười hạnh phúc.

Nghẹt thở giây phút "giành giật" hơi thở cho 2 ca bệnh COVID-19 nguy kịch - Ảnh 3.
Trong gang tấc xử trí, kíp trực đã thở phào nhẹ nhõm
khi các chỉ số sinh tồn đã trở về như ban đầu.

Chia sẻ với chúng tôi ngay khi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân hồi phục, BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Bệnh nhân giường G43 còn rất trẻ, bị COVID-19 trên nền viêm cơ tim cấp, mới nhập viện được một hôm. Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn đáp ứng với thở oxy dòng cao HFNC nhưng đến hôm nay diễn biến rất nhanh. Trước khi cấp cứu khoảng 30 phút, bệnh nhân khó thở. Chúng tôi đã nỗ lực thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng. Do đó, chúng tôi phải quyết định đặt ống thở sớm cho bệnh nhân”.

BS Hạnh giải thích thêm: “Trên những tổn thương tim phổi nặng thì việc ép tim sẽ không được hiệu quả cao nhưng bệnh nhân ở giường G43 vừa mới tổn thương, trẻ tuổi nên vẫn còn cơ hội. Hơn nữa, bệnh nhân G43 chưa phải dừng tim, mà tim bắt đầu đập yếu. Thời điểm đó, ép tim mang tính chất hỗ trợ nên sẽ có tác dụng tốt, nên bệnh nhân đáp ứng tốt. Với bệnh nhân này, nếu không ép, thì tim bệnh nhân sẽ đập kém đi và sẽ ngừng, mà khi đã ngừng thì cơ hội để tim đập tiếp rất thấp”.

Nghẹt thở giây phút "giành giật" hơi thở cho 2 ca bệnh COVID-19 nguy kịch - Ảnh 4.
BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh không giấu được niềm hạnh phúc khi sự sống hồi sinh.

“Bệnh nhân tại giường G46 điều trị ở đây đã được hơn 10 ngày, tình trạng viêm phổi nặng tăng lên. Do tổn thương phổi cũng đang trên đà xấu đi rất nhanh. Chúng tôi đã cấp cứu thở, bệnh nhân rất hợp tác nhưng do tổn thương phổi rất nặng nên đáp ứng kém”, BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho hay.

Căng mắt dõi theo hơn 50 “nhịp thở”

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của BV Việt Đức (BV dã chiến số 13) có 5 khu nhà điều trị là N4, N5, N6, N7, N8 tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện.

Bên trong nhà N4 của Trung tâm này có hơn 50 giường bệnh, được chia thành 2 dãy, xếp lần lượt ở hai bên tường của khu điều trị, bên cạnh được gắn các thiết bị trợ thở, cùng âm thanh phát ra không có điểm nghỉ.

Nghẹt thở giây phút "giành giật" hơi thở cho 2 ca bệnh COVID-19 nguy kịch - Ảnh 5.
Toàn cảnh khu nhà N4 – nơi đang điều trị tích cực hơn 50 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.

Kíp trực hôm nay của BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có gần 10 thành viên, bao gồm cả điều dưỡng viên. Tất cả đều căng mắt dõi theo các chỉ số hiện trên màn hình hệ thống máy đo chỉ số sinh tồn, HFNC hoặc ECMO ở hơn 50 giường bệnh. Thỉnh thoảng, bác sĩ và điều dưỡng lại thay phiên nhau lấy các mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân.

Khoảnh khắc bệnh nhân trở nguy kịch, không chỉ riêng bác sĩ Hạnh mà cả đồng đội, có lẽ, không thể nghĩ được gì hơn. BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Tôi áp lực chứ, lúc đó, bản thân phải huy động mọi kỹ năng, kiến thức để tập trung truy tìm nguyên nhân để xem bệnh nhân đang gặp vấn đề gì để xử trí một cách tối ưu nhất, nhanh nhất. Chúng tôi rất vất vả và nguy hiểm, bởi 2 ca bệnh cùng diễn biến nặng nên phải chia đôi nhân lực để kiểm soát 2 bên. May mắn là đã nội khí quản thành công và tình trạng bệnh nhân tạm ổn định.

“Bệnh nhân tạm thời ổn định, coi như đã qua được cơn nguy kịch ban đầu nhưng quãng thời gian tới thì tiên lượng khá nặng và vẫn còn phải điều trị rất dài. Về sau cần nhiều công sức hơn nữa”, BS Hạnh thở phào.

Nghẹt thở giây phút "giành giật" hơi thở cho 2 ca bệnh COVID-19 nguy kịch - Ảnh 6.
Điều dưỡng Dương Minh Phương chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.

BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch từ đầu tháng 8/2021. Trong gần 50 ngày “lăn lộn” trong khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, BS Hạnh cùng đồng đội thường xuyên gặp những tình huống một vài ca bệnh cùng lúc trở nặng. “Bởi nhà N4 chủ yếu là những bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, bệnh nhân chuyển nặng, có nhiều bệnh nền và diễn biến nhanh. Tất cả bệnh nhân đều có thể có nguy cơ nặng lên bất cứ lúc nào, nên “team” trực nào cũng phải trong tâm thế sẵn càng cấp cứu”, BS Hạnh cho hay.

Bên trong các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19, chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại gần đến vậy. Song, các bác sĩ tại đây luôn nỗ lực từng khoảnh khắc để giành giật sự sống, hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Điều dưỡng Dương Minh Phương – Khoa Gây Mê 1 của BV Hữu Nghị Việt Đức vừa được điều động từ Hà Nội vào BV dã chiến số 13 để hỗ trợ điều trị hàng trăm bệnh nhân COVID-19 nặng, từ ngày 15/9.

Dù đã có thời gian tập huấn, chuẩn bị hành trang để “lên đường” dài ngày nhưng trong ngày thứ 2 tham gia ca trực, chứng kiến khoảnh khắc đồng đội giành giật hơi thở cho bệnh nhân giữa đại dịch khắc nghiệt, điều dưỡng Dương Minh Phương vẫn chưa hết bàng hoàng, choáng váng.

Điều dưỡng Dương Minh Phương trải lòng: “Ngày đi làm thứ 2 của tôi đấy. Cảm xúc của tôi không biết diễn tả sao đây. Buồn, choáng và sợ. Tôi buồn cho bệnh nhân vì hầu hết họ vào đây đều không có người thân, mà lại bệnh nặng, nhiều bệnh nền, người không qua khỏi cũng không thể gặp được người thân lần cuối”.

Bảo Loan – Đức Duy

Phóng viên

(Sức khỏe và Đời sống)

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare