Một trong những khối u ác tính thường gặp, nam phát bệnh nhiều hơn nữ 2,1 lần, độ tuổi thường sau 35 tuổi, tỉ lệ phát bệnh trên 45 tuổi đi lên theo đường thẳng. Vị trí gặp nhiều là ở hốc dạ dày, môn vị, bờ cong nhỏ của dạ dày, và thân dạ dày. Triệu chứng có đau bụng trên, khó chịu, có cảm giác tức trướng, nhanh no (khi đói vừa ăn đã thấy no), ăn không ngon miệng, gầy sút, giảm cân, buồn nôn, ói mửa và đại tiện có huyết ẩn dương tính,… Kiểm tra đối chiếu 2 lần uống bara chụp X-quang soi dạ dày và làm sinh thiết bệnh lí sẽ chẩn đoán được chính xác. Sự phát bệnh ung thư dạ dày có liên quan chặt chẽ tới nhân tố dinh dưỡng trong ăn uống. Các nghiên cứu về bệnh học dịch tễ cho thấy ở những người có điều kiện kinh tế tốt, chi phí bình quân cho ăn uống cao thì tỉ lệ phát bệnh ung thư dạ dày thấp.
Các nhân tố có nguy cơ gây ung thư dạ dày là thường xuyên ăn các thức ăn muối (như thịt muối, cá muối, rau muối, mắm tôm,…), các thức ăn hun khói, thích ăn nhiều muối, đồ ăn cứng, đồ ăn nóng, đồ ăn nhanh, ăn lấy được ăn 3 bữa không đúng giờ, uống rượu mạnh, hút nhiều thuốc lá (nhiều trên 20 điếu ngày), tinh thần bị kích thích quá mạnh hoặc hay sinh sự,…
Còn nếu thường xuyên ăn rau màu xanh, vàng tươi,… thì là nhân tố mang tính bảo vệ. Về nguyên nhân gây ung thư dạ dày đến nay vẫn chưa được làm rõ, phần lớn các nhà khoa học cho là có liên quan tới hợp chất N-nitrozơ, (N-nitroso) hợp chất này chủ yếu được tổng hợp trong dạ dày, căn cứ vào các kết cấu khác nhau mà chia thành nitrozamin (nitrosamine) và nitroxylamin (nitrosylamine) loại sau là chất trực tiếp, không cần phải chuyển hóa qua gan, có thể gây ung thư dạ dày ở ngay trong dạ dày. Khi các sản phẩm phân hủy protein trong dạ dày là amin bậc hai và muối nitrit cùng đồng thời tồn tại thì dễ hợp thành nitrozamin và nitroxylamin trong nhóm gốc amin bậc hai nếu có axylamino thì chất hợp thành sẽ là nitroxylamin. Amin bậc hai có nguồn gốc từ các sản phẩm phân hủy protein, thức ăn cứng không tươi, như thịt ngâm muối, cá muối, cá khô,… thì hàm lượng amin bậc hai trong đó càng nhiều. Nitrit sẽ được hình thành từ rau không tươi hoặc rau nấu chín để qua đêm chất nitrit trong đó sẽ bị vi khuẩn khử. Những bệnh nhân bị viêm dạ dày mãn do trong dạ dày có các khuẩn nitrit hóa nhiều chất nitrat bị oxy hóa – khử thành nitrit cũng nhiều. Amin bậc hai và nitrit càng nhiều thì nitroxylamin sẽ sản sinh ra càng nhiều.
Nhưng có một số chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự hợp thành nitroxylamin. Nếu khi lượng protein đưa vào tương đối nhiều, thì độ axit bazơ trong dạ dày sẽ biến đổi, làm giảm sự tổng hợp nên nitroxylamin đồng thời tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, giúp ích cho việc hồi phục niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gia tăng protein niêm dịch dạ dày, giảm thiểu tác dụng của các chất gây ung thư đối với niêm mạc dạ dày. Vì thế, sữa bò, sữa đậu nành, và chế phẩm từ đậu có tác dụng bảo vệ đối với niêm mạc dạ dày, vitamin A và β – caroten có khả năng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư dạ dày, β – caroten có thể loại trừ được các tổn thương tế bào do các gốc oxy tự do gây nên. Những người có hàm lượng retinol (vitamin A) hoặc β – caroten trong huyết thanh cao, sẽ không dễ bị ung thư dạ dày. Vitamin C và E đều là chất khử, vitamin C có tính tan trong nước, vitamin E có tính tan trong mỡ, chúng đều có thể làm cho nitrit bị phân hủy, từ đó ức chế sự hợp thành nitroxylamin. Mức selen – huyết trong cơ thể tương quan âm với tỉ lệ tử vong của ung thư dạ dày, nguyên tố vi lượng với lượng vừa phải sẽ ức chế được sự sinh trưởng của tế bào ung thư dạ dày, ngăn chặn tác dụng gây đột biến của chất gây ung thư đối với tế bào, vì vậy có thể cho rằng selen có tác dụng phòng ngừa ung thư dạ dày. Các thức ăn muối nặng hoặc thức ăn dầu muối có lượng muối cao sẽ làm hủy hoại lớp màn chắn niêm mạc dạ dày, khiến cho chất gây ung thư dễ bề phát sinh tác dụng đối với niêm mạc dạ dày, vì thế lượng muối đưa vào mỗi ngày tương quan dương với sự phát sinh ung thư dạ dày. Rượu mạnh cũng có thể làm hủy hoại lớp màn chắn niêm mạc dạ dày, làm gia tăng sự phát sinh ung thư dạ dày. Hút thuốc lá sẽ làm gia tăng rođanat (rhodanate) trong nước bọt, thúc đẩy sự hợp thành nitroxylamin trong dạ dày.
Các biện pháp dinh dưỡng phòng ngừa ung thư dạ dày chủ yếu có:
1) Thức ăn phải tươi mới, ít ăn hoặc không ăn thức ăn muối và cá, thịt hun khói, rán, quay. Cá và thịt kho, hầm là dùng được, thức ăn nên bảo quản trong tủ lạnh.
2) Ăn nhiều rau tươi và trái cây.
3) Giảm lượng muối ăn đưa vào mỗi ngày nên dưới 10g.
4) Tăng thêm thỏa đáng thức ăn tươi mới chứa nhiều protein như cá, thịt, trứng, sữa bò và chế phẩm từ đậu.
5) Với những bệnh nhân bị viêm dạ dày teo, mỗi bữa nên bổ sung vitamin C viên 0,2g, vitamin B2 2mg, vitamin E 30mg, selen 50μg. Bệnh nhân ung thư dạ dày trước và sau khi phẫu thuật cần bổ sung protein, vitamin A, E, B1, B2, B6, C và canxi, sắt, kẽm, selen. Với những bệnh phân ở giai đoạn cuối không thể phẫu thuật được thì, đồng thời với việc bổ sung dinh dưỡng protein, axit amin, cần hạn chế cung cấp valin, để làm cho cơ thể có được chất dinh dưỡng, và sự sinh trưởng của khối u bị hạn chế. Đồng thời với việc dùng các phương pháp trị liệu bằng phóng xạ và trị liệu bằng hóa chất phải cung cấp tăng thêm protein, vitamin A, B2, B6, C, E, β- caroten và selen, nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ và nâng cao được hiệu quả trị liệu.
Vinh Nguyễn tổng hợp