Thịt, cá, trứng, sữa, cam, ớt chuông, ổi, táo, cà chua, sữa chua… chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng đề kháng phòng bệnh.
Thông tin được bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp – nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM và bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Dinh dưỡng tăng đề kháng phòng Covid-19” phát trực tiếp trên VnExpress lúc 14h ngày 19/2.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, Covid-19 là loại virus mới, dễ lây lan, hầu hết mọi người chưa có miễn dịch. Xét về bản chất, virus corona cũng gần giống với virus gây bệnh SARS và MERS trước đó. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em dưới chín tuổi xác suất mắc bệnh thấp hơn so với những đối tượng khác. Người cao tuổi (trên 62 tuổi), có thêm bệnh nền như tiểu đường, phổi mãn tính, tim sẽ dễ mắc bệnh nặng hơn.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp – nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, đeo khẩu trang, rửa tay sạch thường xuyên với xà bông, tránh tiếp xúc vào mắt, miệng, mũi khi tay không sạch, giữ vệ sinh nhà cửa… là những biện pháp chủ động để phòng tránh và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Dinh dưỡng đúng và đủ còn cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng, “nguyên liệu” để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Không chỉ trong mùa dịch mới quan tâm đến việc tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống mà cần thực hiện thường xuyên, liên tục.
Một người mỗi ngày cần ăn đủ ba bữa, có thể dùng 15-20 loại thực phẩm khác nhau để cơ thể hấp thu đủ dưỡng chất. Thịt, cá, trứng, sữa là nhóm cung cấp chất đạm không thể thiếu.
Bác sĩ Diệp lưu ý, mọi người nên chọn thực phẩm vệ sinh, an toàn, bảo quản đúng cách để giữ được dưỡng chất. Thương hiệu, đơn vị bán hàng uy tín sẽ đảm bảo được quy trình kiểm soát thực phẩm. Đối với sản phẩm thịt heo chiếm đến 70% thực đơn đạm động vật của người Việt thì chọn thịt mát với quy trình xử lý và đóng gói khép kín 0-4 độ C giúp ngăn chặn vi khuẩn và giữ được dinh dưỡng của thịt. Ở Việt Nam có chuỗi thịt mát được nhiều bà nội trợ lựa chọn, đơn cử như thịt mát MEATDeli.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin C nên tăng cường gồm cam, ớt chuông, ổi… Sữa và các chế phẩm từ sữa, nhất là các loại sữa chua lên men chứa probiotic có lợi cho hệ miễn dịch. Táo có chứa kẽm, selen và chất xơ hòa tan cũng hỗ trợ probiotic trong ruột hoạt động tốt.
Bạn có thể ăn cà chua vì chúng có lycopen ức chế sự bám dính của virus vào tế bào, trong đó có các tế bào liên quan đến hệ thống miễn dịch. Thanh long, cụ thể là trong hạt có nhiều axit béo chưa bão hòa từ thực vật và có nhiều kháng sinh thực vật.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Bác sĩ Diệp cho biết, tùy thuộc vào độ tuổi mà cần có chế độ ăn uống phù hợp. Chất đạm cần khoảng 400 gam mỗi ngày, nếu uống sữa thì sẽ bớt lại lượng đạm. Chất bột đường cần khoảng 55-60% tổng khẩu phần ăn mỗi ngày (nếu quy đổi ra gạo cần khoảng 250 gam gạo một ngày). Rau cần khoảng 400 gam, trái cây 100-200 gam (với người trưởng thành). Dầu ăn và chất béo không nên ăn quá bốn muỗng. Nếu chọn cá béo, dầu mỡ cần giảm bớt lượng chất béo.
Bác sĩ Khanh và bác sĩ Diệp chia sẻ về cách ăn uống tăng đề kháng trong buổi tọa đàm. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Chế độ ăn với người cao tuổi: người cao tuổi cần uống đủ nước, ăn đúng bữa, bữa ăn cần đầy đủ dinh dưỡng, chích ngừa cúm và phế cầu. Người lớn tuổi nên có thói quen ăn trái cây và rau xanh, ngủ đủ giấc tăng sức đề kháng, tập thể dục. Nếu không thực hiện các biện pháp này, sức đề kháng có thể bị giảm xuống, là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh, bác sĩ Khanh cho biết.
Bác sĩ Diệp chia sẻ thêm, những người cao tuổi, có bệnh nền nếu không may nhiễm Covid-19 vẫn nên thực hiện chế độ ăn như trước khi mắc bệnh nhưng lưu ý tăng thêm thực phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng và chia nhỏ bữa ăn. Ví dụ, người đái tháo đường nên hạn chế thực phẩm làm tăng lượng đường huyết nhanh như đường, bánh kẹo, nước ngọt, mật ong, trái cây khô… Cách chế biến thực phẩm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn như tán nhuyễn, chiên giòn cũng cần hạn chế. Tuy nhiên, đối tượng này cũng có thể ăn cháo, có thêm rau củ quả, thịt nạc. Người tăng huyết áp bình thường khi bị Covid-19 sẽ cần giảm muối nhiều hơn vì natri ức chế tế bào bạch cầu hoạt động.
Chế độ ăn với người trưởng thành: ăn ba bữa chính, một đến hai bữa phụ tùy theo loại hình lao động. Người trưởng thành làm tăng ca nhất thiết ăn thêm một đến hai bữa phụ để đảm bảo đủ năng lượng. Nếu ăn thêm bữa phụ thì tổng năng lượng cần chia đều ra, chứ không ăn nhiều hơn. Duy trì điều độ bữa ăn cũng rất quan trọng với hoạt động của tế bào, nên ăn đúng giờ, bữa sáng khoảng 6h-7h, bữa trưa 11h30-12h30, chiều là 17h30-18h30, bữa phụ tùy thuộc vào lao động, nghề nghiệp mà chọn thời gian thích hợp.
Người trưởng thành có thể ăn một bát phở hoặc nui, bún buổi sáng. Bát phở cần 50-70 gam thịt, chất bột đường là bánh phở, bún quy đổi ra tương đương với chén ăn cơm đầy. Bạn lưu ý ăn nhiều rau thơm, giá, tỏi để cung cấp thêm kẽm, selen, kháng sinh thực vật, không tăng đường huyết sau ăn mà còn cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Bữa trưa thông thường ăn hai chén cơm, hai chén rau (rau luộc và rau xào, nấu canh), chất đạm tùy theo khẩu phần ăn của từng người, trung bình 70 gam, cá khoảng 120 gam.
Bác sĩ Diệp chia sẻ về các nhóm thực phẩm cần có trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Quỳnh Trần. |
“Để dễ dàng hơn, bạn có thể áp dụng quy tắc bàn tay. Lượng cá ăn tương đương với cả bàn tay, thịt nên ăn lượng bằng vòng tròn lòng bàn tay. Đậu hũ ăn một miếng, trứng một quả hoặc hai. Bữa chiều cũng tương tự như vậy. Bữa phụ cần dùng sữa và các sản phẩm từ sữa. Tùy từng độ tuổi mà dùng sản phẩm sữa phù hợp”, bác sĩ Diệp nói.
Bác sĩ Diệp còn chia sẻ thêm thực đơn mẫu cho đối tượng này. Thực đơn cho người bình thường, lao động mức độ nhẹ (giáo viên, nhân viên văn phòng), nam hoặc nữ giới có thể trạng trung bình cần 1.800kcal, buổi sáng ăn phở và trái cây như táo. Buổi trưa ăn hai chén cơm và một phần cá như cá ba sa, canh có thể chọn rau cải nấu với thịt heo. Một người có thể ăn hai chén cơm, một chén canh, một phần xào (trứng và khổ qua hoặc ớt Đà Lạt, cải xanh, rau muống).
Buổi chiều ăn thịt heo có thể xào với cà chua, canh như bầu và bí giúp tăng lượng nước. Nếu nữ ăn một chén cơm, nam giới ăn thêm cơm để cung cấp đủ 2.000 kcal, đậu cove luộc, trái cây (như thanh long). Bạn có thể sử dụng thịt mát MEATDeli trong bữa ăn, có thể chế biến bằng cách luộc.
Chế độ ăn với phụ nữ mang thai: đối tượng này dễ mất sức đề kháng, có thêm em bé nên theo bác sĩ Khanh phải ăn tăng cường để cung cấp đủ năng lượng, nhất là vitamin và lượng đạm, uống đủ nước, ăn nhiều rau. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần được bảo vệ với những người xung quanh, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với đối tượng này.
Chế độ ăn với người bị nhiễm Covid-19: không có biện pháp tăng sức đề kháng riêng cho virus corona so với những bệnh lây qua đường hô hấp khác, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh. Những người đang bị nhiễm Covid-19 cần ăn nhiều hơn, nhất là chất đạm. Quan trọng cần uống đủ nước, khoảng 2-3 lít nước. Khi bị sốt sẽ uống nhiều hơn để bù lại lượng nước mất đi. Bên cạnh đó cần ngủ đủ giấc, tập thể dục.
Bác sĩ Khanh lưu ý người nhiễm Covid-19 nên uống nhiều nước để tránh mất nước. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Chọn và bảo quản thực phẩm
Bác sĩ Diệp khuyến cáo, trong nhóm đạm ưu tiên đạm có nguồn gốc từ động vật vì cung cấp axit amin thiết yếu để tạo ra kháng thể, chất béo ưu tiên các hạt có dầu vì cung cấp chất béo, kẽm, selen có lợi cho miễn dịch. Ngoài ra, mọi người cũng cần ăn đủ rau và trái cây, uống sữa và ăn thêm các sản phẩm từ sữa.
Trong nhóm vitamin và khoáng chất, vitamin C có tác dụng tăng sức đề kháng được nhiều người lựa chọn để phòng bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Diệp khuyến cáo cần dùng vitamin C với lượng vừa đủ, không quá lạm dụng. Nhu cầu vitamin C cho cơ thể mỗi ngày khoảng 100mg (tương đương ăn một quả cam). Nước cam không chứa nhiều vitamin C (khoảng 50% của một quả cam) nên mọi người lưu ý không uống quá nhiều mà nên ăn đa dạng thêm thực phẩm chứa vitamin C khác như ớt chuông, ổi…
Bác sĩ Diệp lưu ý, nơi bảo quản phải giữ nhiệt độ phù hợp để không hư hỏng. Khi mua về, bạn có thể bảo quản mát hoặc lạnh tùy theo từng loại. Ngăn mát nên giữ ở mức 0-4 độ C. Rau củ quả tươi không nên dùng quá ba ngày. Rau củ quả có vỏ như khoai tây, khoai lang, quả bưởi, cam có thể trong vòng một tuần. Cá và hải sản dưới một tháng. Thực phẩm đã qua chế biến không để quá ba ngày trong ngăn mát.
Thịt tùy theo đã được chế biến hay thịt tươi sẽ có thời hạn khác nhau. Với thịt chế biến, bạn có thể xem theo hướng dẫn nhà sản xuất, thường khoảng 3-5 ngày khi bảo quản ở nhiệt độ lạnh (dưới 5 độ C). Thịt tươi cần đảm bảo trong quá trình chế biến dưới 4 độ C. Nếu đã cấp đông (âm 18 độ C) cũng chỉ dùng trong khoảng một tháng.
Ở các quốc gia phát triển đưa ra quy trình giết mổ đảm bảo 0-4 độ C. Nhiệt độ này sẽ không thuận lợi cho các vi khuẩn và enzym phát triển và hoạt động để làm hỏng thịt. Nếu thịt tuân thủ quy trình này sẽ được gọi là thịt mát.
Đại diện nhãn hàng MEATDeli cho biết, thịt sạch của thương hiệu từ nguồn heo khỏe qua ba tuyến kiểm dịch được xử lý, đóng gói khép kín với công nghệ Oxy Fresh 9 từ châu Âu (oxy tự nhiên được đưa vào bên trong hộp thịt) giúp giữ nguyên chất lượng, ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Thịt luôn giữ mát ở nhiệt độ 0-4 độ C ngay sau khi giết mổ, qua quy trình làm mát, vận chuyển, lưu trữ và bày bán. Nhờ đó, thịt heo MEATDeli sạch, tươi, ngon và giữ được dưỡng chất. Thịt ba rọi có thể giữ được trong 9 ngày, các loại thịt khác khoảng 3-4 ngày.
Bác sĩ Diệp tư vấn người tiêu dùng có thể sử dụng thịt mát vì quá trình kiểm soát nuôi, chế biến, đến tay người tiêu dùng luôn đảm bảo nhiệt độ cần thiết.
Theo vnexpress