TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim  là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ và các nước Châu Âu. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhồi máu cơ tim cấp có xu hướng gia tăng nhanh chóng

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng hoại tử bất kì một lượng cơ tim nào do nguyên nhân thiếu máu cục bộ. Nhồi máu cơ tim được xem là biến chứng nguy hiểm sau cùng của bệnh cảnh nói chung gọi là bệnh mạch vành. Giai đoạn đầu của bệnh mạch vành chỉ là động mạch vành đưa máu đến nuôi cơ tim bị hẹp do xơ vữa động mạch, hậu quả là lượng máu cung cấp cho cơ tim bị giảm sút.

Khi đó được gọi là suy mạch vành, chỉ là tình trạng thiếu máu cục bộ với triệu chứng thường gặp là đau thắt ngực, thậm chí không có triệu chứng trong nhiều năm (bệnh mạch vành không triệu chứng chỉ được phát hiện nhờ nghiệm pháp gắng sức và theo dõi điện tâm đồ). Và khi động mạch vành bị tắt nghẽn hoặc có khi do động mạch vành bị co thắt quá đáng sẽ đưa đến tình trạng nặng nhất là nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân

–        Xơ vữa động mạch à vỡ màng xơ vữa và tác động mạch vành.

–        Co thắt động mạch vành (bao gồm cả do cocaine).

–        Bóc tách động mạch chủ lan đến động mạch vành (thường động mạch vành P –> Nhồi máu cơ tim vùng hoành).

–        Thuyên tắc động mạch vành (vd, do viêm nội tâm mạc, van tim nhân tạo, huyết khối thành tim, u nhầy).

–        Viêm mạch máu (vd: bệnh Takayasu, hội chứng Kawasaki).

–        Viêm cơ tim (hoại tử cơ tim, dù không gây bệnh  động mạch vành).

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực với cảm giác đau như bị đè ép ở giữa ngực, cơn đau có thể lan lên vai, cổ, lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái. Có thể kèm theo các triệu chứng như: vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc khó thở.

Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim lại biểu hiện như một tình trạng rối loạn tiêu hóa, hoặc chẳng hề có triệu chứng (Nhồi máu cơ tim im lặng) hoặc hết sức đột ngột, biểu hiện bằng triệu chứng rối loạn nhịp, ngừng tim đột tử. Khi nghi ngờ bị Nhồi máu cơ tim phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa (không nên cho là bị “trúng gió” chỉ lo cạo gió ở nhà làm mất thời giờ quý báu cho việc cấp cứu). Bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán cần thiết để xác định bệnh và tiến hành việc cấp cứu.

Phòng ngừa

1. Tránh khói thuốc

Khói thuốc vào phổi một cách chủ động hay thụ động đều gây tổn thương cho thành động mạch. Thuốc lá sẽ làm cứng các thành động mạch, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng cholesterol trong máu và làm tăng áp lực động mạch. Do vậy, khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim lên năm lần, làm tăng nguy cơ tai biến mạch não lên gấp hai lần.

2. Tránh để dư thừa trọng lượng cơ thể

Khi trọng lượng cơ thể bị dư thừa chỉ cần giảm được 10-15% trọng lượng đã có thể giảm thiểu được các nguy cơ của bệnh tăng huyết áp động mạch, giảm tỷ lệ cholesterol và triglycerique trong máu.

Trong trường hợp trọng lượng cơ thể bình thường, để phòng tránh mắc bệnh tim mạch, hãy duy trì một chế độ dinh dưỡng đa dạng, hài hoà, cân đối, hạn chế các loại chất béo bão hoà (nhất là các chất béo có nguồn gốc động vật), hạn chế muối, đường và rượu, ăn nhiều hoa quả.

3. Cuộc sống luôn vận động

Vận động thể lực chiếm một phần quan trọng trong lịch trình sinh hoạt hàng ngày: cố gắng tránh sử dụng phương tiện động cơ trong di chuyển khi điều kiện cho phép, dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày đi bộ hoặc chạy bộ, thực hiện mỗi tuần hai buổi tập luyện các loại hình vận động đòi hỏi sức bền như bơi, đạp xe, đi bộ theo nhịp rảo bước. Tuy nhiên luyện tập thể thao quá mức sẽ gây ra những kết quả trái ngược.

Nhồi máu cơ tim 2
Ánh minh họa

4. Tránh căng thẳng thần kinh tâm lý

Khi căng thẳng thần kinh tim sẽ đập nhanh, nếu hiện tượng này xảy ra đột ngột sẽ càng nguy hiểm. Điều này đôi khi sẽ làm cơn nhồi máu cơ tim diễn ra đột ngột, tỷ lệ tử vong cao. Do vậy cần tạo cho mình một tâm lý luôn thoải mái, không gian sống thật dễ chịu, không cáu giận không làm những công việc quá căng thẳng, ít  xem những bộ phim kinh dị…

5. Luôn chủ động đề phòng bệnh tái phát

Sau cơn nhồi máu, khả năng tái phát cơn vẫn còn và thường gặp vì nhồi máu chỉ là hậu quả, còn nguyên nhân gây bệnh thì vẫn tồn tại. Do vậy, để tránh tái phát, ngoài 4 nguyên tắc thay đổi nếp sống không tốt trên, người bệnh còn phải dùng thuốc điều trị suốt đời, quản lý và kiểm soát tốt các bệnh lý gây ra nhồi máu cơ tim: đưa trị số huyết áp về mức bình thường bằng thuốc hạ áp, phải kiểm soát được lượng đường trong máu nếu có bệnh tiểu đường…

Bệnh nhân cần được trang bị các loại thuốc giãn mạch để sử dụng kịp thời khi xuất hiện các cơn đau co thắt ngực gây ra do mạch vành tim bị co thắt hoặc bán tắc. Ngoài ra, cần thăm khám định kỳ theo khuyến cáo của thầy thuốc.

Vinh Nguyễn(tổng hợp)

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare