
Ngay khi mổ xong người bệnh được theo dõi nếu không có dấu hiệu chảy máu, mạch, huyết áp không dao động thì phòng mổ chuyển người bệnh sang phòng Hồi sức sau mổ (HSSM).
Mục tiêu chăm sóc của phòng HSSM là chăm sóc người bệnh cho đến khi hết thuốc mê, dấu chứng sinh tồn ổn định, người bệnh không còn chảy máu, người bệnh định hướng được (trừ trường hợp về sọ não) thì chuyển sang phòng bệnh. Thường phòng hậu phẫu chỉ lưu người bệnh trong 24 giờ sau mổ. Nếu sau thời gian này tình trạng bệnh trở nặng thì người bệnh sẽ được chuyển sang phòng hồi sức tích cực.
QUY TRÌNH CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SAU MỔ
5 vấn đề cần chú ý:
1- Hô Hấp.
2- Tim Mạch
3- Nhiệt Độ
4- Thần Kinh
5- Tiết Niệu
- Hô hấp: Tại phòng HSSM ĐD cần theo dõi phát hiện các sự cố về hô hấp BN sau mổ như:
– Tắc đường thở do tụt lưỡi, do nghẹt đàm, co thắt thanh quản, phù nề thanh quản do nội khí quản.
– Thiếu oxy do xẹp phổi, phù phổi, tắc mạch phổi, co thắt phế quản.
– Giảm thông khí do ức chế thần kinh hô hấp, liệt hô hấp do thuốc giãn cơ, thuốc mê, hạn chế thở do đau.
Nhận định tình trạng hô hấp: nhịp thở, kiểu thở, tần số thở, thở sâu, độ căng giãn lồng ngực, da niêm, thở có kèm cơ hô hấp phụ như co kéo cơ liên sườn, cánh mũi phập phồng,… Người bệnh tự thở, thở oxy qua canule, người bệnh có nội khí quản, mở khí quản, người bệnh đang thở máy.
* Nhiệm vụ ĐD:
– Theo dõi sát hô hấp của người bệnh, đánh giá tần số, tính chất nhịp thở, các dấu hiệu khó thở: Nếu nhịp thở nhanh hơn 30 lần/phút hay chậm dưới 15 lần/phút thì báo cáo ngay cho BS.
– Theo dõi chỉ số oxy trên máy monitor, khí máu động mạch. Nếu BN có dấu hiệu thiếu oxy, người bệnh tím tái, thở co kéo, di động của lồng ngực kém hay chỉ số Oxy SaO2 < 90% (oxygen saturation) và/hoặc PaO2 < 70mmHg (partial pressure of oxygen): Báo cáo BS.
– Chăm sóc: Cung cấp đủ oxy, luôn luôn phòng ngừa nguy cơ thiếu oxy cho người bệnh. Làm sạch đường thở, hút đàm nhớt và chất nôn ói (hút cần cẩn thận khi người bệnh cắt amygdal). Nghe phổi trước và sau khi hút đàm.
Tư thế người bệnh cũng ảnh hưởng đến khả năng thông khí. Nếu người bệnh còn mê: cho nằm đầu bằng, mặt nghiêng sang một bên, kê gối sau lưng với cằm duỗi ra, đầu gối gấp, kê gối giữa 2 chân. Nếu người bệnh tỉnh, cho người bệnh nằm tư thế Fowler. Trong trường hợp người bệnh khó thở hay thiếu oxy, điều dưỡng thực hiện y lệnh cung cấp oxy qua thở máy, bóp bóng. Nếu người bệnh tỉnh cần hướng dẫn người bệnh tham gia vào tập thở, cách hít thở sâu.
2. Tim mạch:Theo dõi diễn biến Mạch, HA, Tim.
* Nguyên nhân:
– Hạ huyết áp: có thể do mất máu, giảm thể tích dịch do mất dịch qua dẫn lưu, nôn ói, nhịn ăn uống trước mổ, do bệnh lý về tim, do thuốc ảnh hưởng đến tưới máu cho mô và các cơ quan, đặc biệt là tim, não, thận, do tư thế…
– Tăng huyết áp: do đau sau giải phẫu, vật vã do bàng quang căng chướng, kích thích, khó thở, nhiệt độ cao, người bệnh mổ tim,…
– Rối loạn nhịp tim: tổn thương cơ tim, hạ kali máu, thiếu oxy, mạch nhanh, nhiễm toan – kiềm, bệnh lý tim mạch, hạ nhiệt độ…
* Nhận định tình trạng người bệnh:
Nhận định tình trạng tim mạch: da niêm, dấu hiệu chảy máu, dấu hiệu thiếu máu, Hct, tìm hiểu về bệnh lý tim mạch của người bệnh. Dấu hiệu mất nước, nước xuất nhập, áp lực tĩnh mạch trung tâm, nước tiểu, điện tim.
* Nhiệm vụ ĐD:
– Ngay sau mổ, điều dưỡng phải đo mạch, huyết áp và ghi thành biểu đồ để dễ so sánh. Để phát hiện sớm dấu hiệu tụt huyết áp do chảy máu điều dưỡng luôn thăm khám, phát hiện chảy máu qua vết mổ, qua dẫn lưu, các dấu hiệu biểu hiện thiếu máu trên lâm sàng như: mạch nhanh, huyết áp giảm, da niêm tái.
– Nhận định tình trạng da niêm: màu sắc, độ ẩm, nhiệt độ da, dấu hiệu đổ đầy mao mạch (> 3 giây). Nước xuất nhập trước và sau mổ cần được theo dõi sát. Theo dõi số lượng nước tiểu mỗi giờ. Điều dưỡng cũng cần theo dõi tình trạng rối loạn điện giải biểu hiện trên lâm sàng, trên xét nghiệm Ion đồ.
– Theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm (bình thường 5–12cm H2O). Theo dõi dấu mất nước như dấu véo da, khát, môi khô, niêm khô; đánh giá thường xuyên để giúp BS cân bằng chính xác tình trạng nước xuất nhập nhằm tránh nguy cơ suy thận cấp.
Với những người bệnh già, bệnh tim thì việc thừa nước hay thiếu nước rất gần nhau. Việc thừa nước có nguy gây cơ phù phổi cấp.
* Chăm sóc:
– Đặt máy đo điện tim liên tục với người bệnh nặng, người có bệnh tim, người già.
– Nâng đỡ nhẹ nhàng tránh tụt huyết áp tư thế.
– Thực hiện truyền dịch, truyền máu đúng y lệnh số giọt, thời gian.
– Ghi vào hồ sơ tổng nước xuất nhập mỗi giờ/24 giờ (hoặc theo y lệnh).
- Nhiệt độ: Theo dõi Tăng Thân Nhiệt, Hạ Thân Nhiệt.
– Tăng thân nhiệt: Người bệnh sau mổ thường sốt nhẹ do mất nước, do tình trạng phản ứng cơ thể sau mổ; thường sau mổ 1–2 ngày nhiệt độ tăng nhẹ 37,5– 38 độ C, nhưng nếu người bệnh sốt cao phải báo cáo ngay cho BS.
– Hạ thân nhiệt: do ẩm ướt, người già, suy dinh dưỡng, do nhiệt độ môi trường, do tình trạng suy kiệt…
* Nhiệm vụ ĐD:
Điều dưỡng theo dõi nhiệt độ thường xuyên, thực hiện bù nước theo y lệnh. Nếu sau mổ 3 ngày mà người bệnh vẫn còn sốt > 38 độ C thì cần theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng từ bệnh lý vừa phẫu thuật. Khi nhiệt độ tăng cao cần thực hiện chăm sóc giảm sốt cho người bệnh. Và để việc theo dõi dễ dàng, điều dưỡng cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên và ghi thành biểu đồ. Đối với người già, bệnh nặng, suy dinh dưỡng, người bệnh thường bị hạ thân nhiệt nên cần luôn được giữ ấm.
- Thần kinh
– Theo dõi mức độ hôn mê, định hướng, cảm giác, vận động, đồng tử, động kinh, rối loạn tâm thần.
– Người bệnh lo sợ khi tỉnh dậy trong môi trường lạ, vật vã, kích thích do đau, thiếu oxy, bí tiểu, duy trì ở một tư thế quá lâu.
– Run do nhiệt độ môi trường quá thấp, truyền máu, dịch quá lạnh, thời gian mổ quá lâu, người già, người bệnh suy dinh dưỡng, phản ứng thuốc.
* Nhiệm vụ ĐD:
– Đánh giá tri giác người bệnh qua bảng điểm Glasgow đối với BN mổ sọ não (bảng điểm Glasgow xem trong phụ lục).
– Trong giai đoạn hồi tỉnh người bệnh dễ bị kích thích, vật vã nên điều dưỡng cần đảm bảo an toàn cho người bệnh (kéo cao khung giường, cố định người bệnh…)
– Trong trường hợp người bệnh được gây tê ngoài màng cứng: Theo dõi vận động, cảm giác của chi sau 2 giờ; Tư thế nằm đầu bằng trong 8 –12 giờ sau mổ.
Khi xoay trở, chăm sóc cần tránh chèn ép chi. Giúp người bệnh tư thế thoải mái, phù hợp. Làm công tác tư tưởng cho người bệnh nếu người bệnh tỉnh.
– Kiểm tra các đầu chi (sau mổ CTCH chi): Màu sắc, ấm-lạnh, Tê, Cử động, Mạch…
- Tiết niệu:
– Số lượng, màu sắc nước tiểu, cầu bàng quang, dấu hiệu phù chi, người bệnh có thông tiểu không? Nhận định dấu hiệu thiếu nước, rối loạn điện giải.
* Nhiệm vụ ĐD:
– Theo dõi nước xuất nhập mỗi giờ, tổng nước xuất nhập trong 24 giờ, tính chất, màu sắc, số lượng nước tiểu. Chú ý, số lượng nước tiểu (bình thường: 0,5–1ml/kg cân nặng/giờ); nếu số lượng nước tiểu ít hơn 30ml/giờ điều dưỡng cần báo cáo Bác Sĩ.
Chăm sóc người bệnh: nếu phù, kê chi cao.
– Trong trường hợp có thông niệu đạo cần chăm sóc sạch sẽ bộ phận sinh dục và hệ thống thông niệu đạo.
Cuối cùng khi bệnh nhân ổn, đánh giá toàn trạng BN theo thang điểm Aldrete trước khi chuyển BN ra khỏi phòng HSSM, về khoa.
BS Nguyễn Ngọc Hiền
PHỤ LỤC
1. TIÊU CHUẨN RA KHỎI PHÒNG HSSM (THANG ĐIỂM ALDRETE CẢI TIẾN) |
– Vận động tự nhiên:
2: | Cử động được tứ chi |
1: | Cử động 2 chi |
0: | Không cử động |
– Hô hấp:
2: | Có thể hít thở sâu và ho được |
1: | Khó thở hoặc thở nông |
0: | Không thở |
– Huyết áp động mạch tâm thu: (Độ sai biệt so với giá trị trước mổ)
2: | 20 mmHg |
1: | 20 – 50 mmHg |
0: | > 50 mmHg |
– Tri giác:
2: | Tỉnh hoàn toàn |
1: | Thức tỉnh khi yêu cầu |
0: | Không đáp ứng với những mệnh lệnh đơn giản |
– Độ bão hoà O2:
2: | > 92% với khí trời |
1: | Cần O2 để đạt SaO2 > 90% |
0: | SaO2 < 90% khi có oxy qua mặt nạ hay sonde mũi (5 lít/ phút) |
Tiêu chuẩn ra khỏi phòng hậu phẫu: 10 điểm
Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho BN phẫu thuật thông thường, không có tổn thương thần kinh.