TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

Miệng trong hệ tiêu hóa

Miệng con người là một kiểu hang có chứa lưỡi và răng. Nó bị giới hạn bởi đôi môi, trong khi ở lối ra của nó, miệng liên kết với đường dẫn vào đường tiêu hóa và vào đến phổi. Vì mối quan hệ với hai hệ thống cơ thể quan trọng bật nhất này, miệng chắc chắn có liên quan với cả sự tiêu hóa lẫn quá trình hô hấp. Ngoài ra, nó còn liên quan đến hoạt động nói.

       Chính đôi môi đem lại cho miệng sự biểu hiện của nó. Chúng được tạo nên từ các sợi cơ rải rác có các mô đàn hồi và được cung cấp rất nhiều dây thần kinh làm cho đôi môi vô cùng nhạy cảm.

       Bao phủ đôi môi là một dạng thay đổi của da, là một kiểu cấu trúc trung gian giữa da thật bao phủ mặt và màng lót bên trong của miệng. Không giống như da thật, da môi không có lông, tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã nhờn.

       Miệng được lót bằng màng nhầy (niêm mạc), chứa đựng các tuyến sản xuất chất dịch trong hơi dính được gọi là niêm dịch. Sự tiết ra liên tục của các tuyến này giữ cho bên trong miệng thường xuyên ẩm ướt, được giúp đỡ bởi hoạt động của các tuyến nước bọt. Niêm mạc lót trong hai má nhận lãnh mức độ hao mòn rất lớn và có khả năng tái sinh đặc biệt.

       Hướng về phía trước miệng, ở phía trên là vòm miệng cứng còn vòm miệng mềm hướng về phía sau. Vòm cứng do đáy xương hàm trên tạo thành, cho phép lưỡi ép vào bề mặt vững chắc và vì vậy làm cho thức ăn có thể được pha trộn và làm mềm. Độ mềm của vòm cần thiết vì nó có thể di chuyển về phía trên khi thức ăn được nuốt vào và như vậy ngăn chặn thức ăn khỏi bị ép lên đi vào mũi, mà các đường đi vào mũi ở phía sau miệng.

       Thòng xuống từ trung tâm của vòm mềm là một miếng mô gọi là lưỡi gà. Chức năng chính xác của nó là một điều bí mật, nhưng một số người cho rằng nó tạo thành một miếng bịt có hiệu quả ở các đường khí khi thức ăn được nuốt vào, vì vậy ngăn chặn sự ngẹt thở.

Lưỡi:

       Lưỡi có hình dạng khá giống một hình tam giác – rộng ở đáy, thuồn dài ra và nhọn ở đỉnh, đáy hoặc rễ của nó gắn chặt vào hàm dưới và vào xương móng của xương sọ. Các mép rễ lưỡi được nối vào các thành của hầu, một khoang hình thành phía sau miệng.

       Phần giữa của lưỡi có bề mặt trên cong, trong khi đó mặt dưới của nó nối liền với sàng miệng bằng một dải mô mỏng – cái hàm lưỡi. Đầu lưỡi tự do chuyển động nhưng khi một người không ăn hoặc nói chuyện, thì nó thường nằm gọn trong miệng với đầu lưỡi đặt tựa vào răng phía trước.

       Các động tác của lưỡi được quyết định bởi các cơ mà nó được hình thành và đối với cơ mà nó nối và theo cách lưỡi được gắn vào trong miệng.

       Bản thân lưỡi có các sợi cơ vừa chạy theo chiều dọc vừa theo chiều ngang và các cơ này có khả năng tạo ra chuyển động nào đó, nhưng các động tác của lưỡi được coi là rất linh hoạt do sự co bóp của nhiều cơ có vị trí trong cổ và các bên hàm. Thí dụ, cơ trâm thiệt trong cổ, có nhiệm vụ đưa cổ lên trên và về phía sau, trong khi cơ móng lưỡi, cũng ở trong cổ, đưa lưỡi hạ xuống vào lại vị trí nghỉ bình thường.

       Trong khi đang ăn, một trong những công việc chính của lưỡi là đưa thức ăn đến răng để nhai và nặn thức ăn đã mềm thành viên tròn sẵn sàng để nuốt. Các động tác này được thực hiện bằng hàng loạt chuyển động cong lên cong xuống. Khi nhiệm vụ vừa hoàn thành (hoặc ngay khi người ăn nuốt thức ăn) lưỡi đẩy viên thức ăn vào hầu ở phía sau miệng, từ đó thức ăn đi vào thực quản và được nuốt vào bao tử.

Các tuyến nước bọt:

       Mỗi ngày tất cả chúng ta thường sản xuất khoảng 1,7 lít nước bọt – một chất tiết giống như nước gồm có chất nhầy và chất dịch. Nó có chứa enzyme ptyalin giúp tiêu hóa và một hóa chất được gọi là lysozyme có vai trò của một chất diệt khuẩn giúp bảo vệ miệng khỏi bị nhiễm trùng. Vì vậy nước bọt là một chất sát khuẩn nhẹ.

       Nước bọt được ba đôi tuyến có vị trí trong mặt và cổ sản xuất : đôi tuyến mang tai, đôi tuyến dưới hàm và đôi tuyến dưới lưỡi. Ngoài ra còn có nhiều tuyến nhỏ hơn nằm rải rác quanh miệng. Mỗi tuyến nước bọt được cấu tạo bởi các ống phân nhánh, được sắp xếp chung với nhau và lót bằng các tế bào phân tiết thay đổi giữa các tuyến và các chất dịch chúng tiết ra cũng khác nhau.

       Tuyến mang tai là tuyến lớn nhất trong các tuyến nước bọt và có vị trí ở cổ, nằm tại góc hàm và kéo dài lên ngang xương má ngay phía trước tai. Nước bọt của tuyến mang tai chảy vào má từ các ống dẫn chạy tới từ chính các tuyến. So với các tuyến nước bọt khác, tuyến mang tai sản xuất một chất tiết giống như nước và có chứa một số lượng pytalin tăng lên – một enzyme để tiêu hóa tinh bột.

       Mặc dù các tuyến mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất nhưng chúng chỉ sản xuất khoảng một phần tư tổng số lượng nước bọt. Các tuyến hàm dưới đúng như tên nó, nằm ở dưới hàm bên dưới các răng sau và các tuyến dưới lưỡi ( cũng đặt tên thích hợp) nằm ở dưới lưỡi trên sàng miệng. Cả hai tuyến này tiết ra chất dịch ở hai bên hãm lưỡi (một dãi mô nhỏ dính từ đáy lưỡi nối với sàng miệng). Các tuyến dưới lưỡi chủ yếu tiết ra nước bọt đầy dịch nhầy rất dính. Các tuyến dưới hàm tiết ra nước bọt có khoảng một nửa dịch nhầy và một nửa chất dịch chứa ptyallin và tuyến này tạo nên phần lớn hơn trong tổng số lượng nước bọt được tiết ra trong miệng suốt bất kỳ thời gian nào.

Vai trò của nước bọt:

       Chức năng quan trọng của nước bọt là giúp đỡ quá trình tiêu hóa. Nó giữ cho miệng ẩm ướt và thoải mái khi chúng ta ăn và giúp làm ướt thức ăn khô cho phép nó được nhai và nuốt dễ dàng hơn. Dịch nhầy trong nước bọt tẩm viên thức ăn và có tác dụng như một chất làm trơn giúp chúng ta nuốt.

       Enzyme ptyalin được tiết ra trong nước bọt bắt đầu giai đoạn đầu của sự tiêu hóa. Nó bắt đầu phân hủy thức ăn có tinh bột thành các chất đường đơn giản hơn, nhưng tác động của nó bị ngưng lại vì acid trong bao tử. Tuy nhiên, nếu các viên thức ăn đủ lớn và được nhai kỹ thì acid không thể thấm vào trung tâm trong khoảng thời gian nào đó và sự phân hủy tinh bột được tiếp tục.

       Nước bọt cũng cho phép chúng ta thưởng thức thức ăn và thức uống. Cảm giác về vị được tạo ra nhờ nhiều ngàn chồi vị giác mà chủ yếu nằm ở các niêm mạc lưỡi.

       Tuy nhiên, các chồi vị giác này chỉ có thể phản ứng với chất lỏng và thức ăn cứng trong miệng khô sẽ không tạo ra cảm giác về vị nào cả ; đó là điều quan trọng cho nước bọt hòa tan trước một số thức ăn. Chất dịch này, chứa các hạt thức ăn, lúc đó có thể chảy qua các chồi vị giác mà về hóa học được kích thích để chuyển các thông tin đến não, sau đó não giải mã mùi vị của thức ăn.

       Nước bọt được sản xuất liên tục suốt ngày đêm với một tốc độ chậm ; số lượng được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự trị – hệ thần kinh kiểm soát tất cả mọi hoạt động không ý thức của chúng ta. Nhưng tại những thời điểm khác nhau, tốc độ tiết nước bọt bị thay đổi do sự kích thích của hệ thần kinh giao cảm làm giảm lưu lượng nước bọt, điều này được thấy rõ do miệng chúng ta bị khô khi chúng ta lo lắng, sự nói có thể trở nên khó khăn vì môi và lưỡi chúng ta không được trơn đủ để chuyển động tự do. Mặt khác, sự tiết nước bọt tăng lên là một hoạt động phản xạ được hệ thần kinh phó giao cảm truyền đến : các dây thần kinh mang cảm giác về vị đến não kích thích sự chảy nước bọt khi thức ăn đang ở trong miệng. Điều này được biết đến như một phản xạ bẩm sinh, nhưng sự chảy nước bọt gia tăng cũng có thể được tạo ra do chỉ là ý nghĩ về thức ăn. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào thức ăn cũng có thể làm cho miệng các bạn đầy nước là đúng và điều này được gọi là phản xạ có điều kiện.

Răng: 

       Răng có cấu trúc giống như xương cứng được cắm chặt vào các hốc răng của hàm. Hai hàm răng lần lượt xuất hiện trong cả cuộc đời.

       Mỗi răng gồm có hai phần : thân răng, đó là phần có thể nhìn thấy bên trong miệng và chân răng là phần được cắm bên trong xương hàm. Chân răng thường dài hơn thân răng. Răng cửa chỉ có một chân, trong khi các răng mọc xa về phía sau thường có hai hoặc ba chân.

       Nguyên tố cấu trúc quan trọng nhất của răng gồm có mô đã vôi hóa được gọi là ngà răng. Ngà răng là một chất liệu giống như xương cứng có chứa các tế bào sống. Nó là một mô nhạy cảm và gây ra cảm giác đau khi bị kích thích bằng nhiệt hoặc bằng hóa chất. Ngà của chân răng được một lớp men bảo vệ bao bọc, lớp men này là một mô tế bào tự do rất cứng và không cảm giác. Chân răng được bao bọc bằng một lớp xương răng, một chất hơi tương tự với ngà răng giúp giữ chặt răng trong hốc răng.

       Giữa răng có hình dạng một hốc rỗng chứa đầy mô liên kết nhạy cảm được gọi là tủy răng. Tủy này kéo dài từ bên trong thân răng thẳng xuống đến cuối chân răng. Chân răng có lỗ mở ở phần sâu nhất trong xương hàm. Qua lỗ mở này, các mạch máu và dây thần kinh nhỏ bé chạy vào trong hốc tủy răng.

Sự nâng đỡ răng:

       Mỗi răng đều có chân được dính chặt vào xương hàm ; phần hàm nâng đỡ răng được gọi là mỏm ổ răng. Tuy nhiên, phương thức gắn vào phức tạp và các răng được dính chặt vào hàm nhờ các sợi được gọi là dây chằng nha chu. Ở đây gồm có một loạt sợi collagen cứng, chạy từ xương răng bao bọc chân răng đến sát bên xương ổ răng. Các sợi này nằm rải rác với mô liên kết, trong mô liên kết cũng có chứa các mạch máu và hệ thần kinh.

       Cách thức gắn răng đưa đến một mức độ chuyển động tự nhiên rất nhỏ. Điều này có tác dụng như một loại giảm xóc có thể bảo vệ răng và xương khỏi bị tổn hại khi cắn.

       Khu vực quan trọng chủ yếu trong hệ thống này là ở cổ răng, nơi tiếp giáp giữa thân và chân răng. Ở vùng này nướu răng thắt chặt vào răng và có tác dụng bảo vệ các mô nâng đỡ nằm dưới khỏi bị nhiễm trùng và các ảnh hưởng có hại khác.

Các loại răng:

       Răng người có hai đợt. Răng sữa là những chiếc răng xuất hiện trong thời thơ ấu và thường thường tất cả đều rụng. Răng sữa có thể được chia thành ba loại : răng cửa, răng nanh và răng hàm. Răng vĩnh viễn là những chiếc răng thay thế và còn dàn rộng ra đợt răng ban đầu. Các răng này có thể được chia thành các loại tương tự như các loại răng sữa và ngoài ra còn có một loại răng nữa được gọi là răng tiền hàm, chúng là trung gian về hình thức lẫn vị trí giữa răng nanh và răng hàm.

       Đặc điểm của răng cửa là có mép rạch giống như phiến lá hẹp và các răng cửa ở hai hàm đối diện hoạt động bằng cách cắt qua nhau như hai lưỡi kéo. Răng nanh và các răng nhọn là răng thích ứng tốt cho hoạt động xé, trong khi các răng hàm và răng tiền hàm có tác dụng nghiền thức ăn hơn là cắt nó.

       Các răng tạo thành một vòng cung hình ovan đều đặn với các răng cửa ở phía trước và các răng nanh, răng tiền hàm và răng hàm có vị trí lùi dần về phía sau. Hai hàm răng bình thường vừa khít nhau để cho khi cắn các răng đối diện sẽ khớp với nhau.

Sự phát triển của răng:

       Dấu hiệu đầu tiên về sự phát triển của răng xuất hiện khi bào thai chỉ sáu tuần tuổi. Ở giai đoạn này các tế bào biểu mô của miệng nguyên thủy tăng lên về số lượng và hình thành một băng dày có hình dáng của hàm răng. Tại một chuỗi các điểm tương ứng với răng riêng rẽ, băng này tạo ra các điểm mọc vào trong như chồi trong mô mà biểu mô bao phủ. Sau đó, các chồi này trở thành hình chuông và dần dần mọc lên để tạo ra hình dạng nối liền sau cùng giữa men răng và ngà răng. Một số tế bào nào đó sau đó tiếp tục hình thành ngà răng, trong khi đó các tế bào khác tạo nên men răng.

       Các rìa chuông tiếp tục phát triển sâu hơn và cuối cùng các chân răng trọn vẹn hình thành, nhưng quá trình này không hoàn thành cho đến khoảng một năm sau khi các răng sữa đã xuất hiện. Lúc mới sinh, dấu hiệu duy nhất của khớp cắn được cung cấp bằng “các đệm nướu”, chúng là các băng làm dày của mô nướu. Khoảng sáu tháng tuổi, răng cửa dưới bắt đầu nhú qua nướu, một quá trình được gọi là sự mọc răng. Tuổi mọc răng có thể thay đổi : có một số ít em bé có răng lúc mới sinh, trong khi đó có những em bé đến một tuổi mới mọc răng.

       Sau khi các răng cửa dưới xuất hiện, các răng cửa trên bắt đầu mọc và tiếp theo là các răng nanh và răng hàm, tuy vậy sự liên tục chính xác có thể thay đổi. Những vấn đề mọc răng có thể được kết hợp với bất cứ răng nào trong số các răng sữa.

       Khoảng hai tuổi rưỡi đến ba tuổi đứa trẻ thường có một bộ đầy đủ 20 chiếc răng sữa. Chúng sẽ được đặt cách nhau một cách lý tưởng để cung cấp chỗ các răng vĩnh viễn lớn hơn.

       Sau đó, sau sáu tuổi, các răng cửa sữa trên và dưới trở nên lung lay và được thay thế bằng các răng vĩnh viễn. Các răng hàm vĩnh viễn phát triển không đúng vị trí của răng hàm sữa mà ở phía sau chúng. Các răng hàm vĩnh viễn thứ nhất xuất hiện lúc 6 tuổi, răng hàm thứ hai lúc 12 tuổi và răng hàm thứ ba hay còn gọi là răng khôn khoảng 18 tuổi. Tuy nhiên, có sự thay đổi đáng kể về thời gian xuất hiện của tất cả các răng. Khoảng 25% người không bao giờ phát triển một răng khôn hoặc nhiều hơn. Lý do của vấn đề này có thể là do tiến hóa : khi hàm trở nên nhỏ hơn thì số răng giảm đi. Một số răng khôn có thể không bao giờ mọc qua nướu và nếu chúng bị lèn chặt (bị nêm sát vào nhau dưới nướu) chúng có thể cần được nhổ bỏ. Điều này xảy ra trong 50% người.

Những thay đổi về sự sắp xếp răng:

       Phần hàm nâng đỡ các răng sữa lên rất ít về kích thước theo tuổi khi mà tất cả răng sữa vừa mọc. Răng sữa có khuynh hướng nhỏ hơn răng thay thế vĩnh viễn và chỉ khi các răng cửa vĩnh viễn lớn đã mọc thì hình dạng cuối cùng của các hàm răng trở nên thấy rõ. Các răng cửa vĩnh viễn hàm trên thường mọc ra không cân xứng với gương mặt đứa trẻ khi chúng mới xuất hiện, nhưng điều này tự nhiên trở nên ít thấy rõ hơn khi khuông mặt lớn lên trong lúc răng vẫn không thay đổi kích thước. Bất cứ xu hướng nào đối với răng cửa hàm trên nhô ra thường chỉ trở nên rõ ràng khi răng sữa được thay thế : răng vĩnh viễn lớn hơn sẽ làm tăng quá mức bất kỳ sự khác nhau nào trong vị trí của chúng. Tương tự, sự chen vào thường chỉ trở nên rõ ràng khi răng vĩnh viễn mọc lên.

       Mất khoảng 6 năm cho các răng sữa được thay thế hoàn toàn bằng 32 răng thay thế vĩnh viễn, khoảng hở xuất hiện giữa các răng cửa hàm trên là rất phổ biến. Khe hở này thường có khuynh hướng khít lại khi các răng nanh vĩnh viễn mọc ra vì chúng đẩy các răng cửa lại gần nhau.

Vinh Nguyễn tổng hợp

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare