TRUNG TÂM DỊCH VỤ Y TẾ
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA

Hotline

0911 736 188

Bệnh lý ống phúc tinh mạc

A-   Bào thai học ống Phúc – Tinh mạc: Ống phúc tinh mạc (PTM) là phần kéo dài của phúc mạc trong quá trình di chuyển từ trong ổ bụng xuống bìu của tinh hoàn (ở bé trai).


Ở bé trai ống phúc tinh mạc kéo dài cho  đến bìu dái, nằm trong ống bẹn, tạo nên thừng tinh. Trong thừng tinh có ống dẫn tinh và bó mạch thừng tinh (gọi chung là thừng tinh) nằm áp vào thành ống phúc tinh mạc. Khi sinh ra, ống phúc tinh mạc đã xơ hóa. Phần cuối cùng của ống phúc tinh mạc tạo thành một cái “bao” che phủ ¾ trước của tinh hoàn, bên trong có một lớp dịch mỏng, gọi là bao tinh hoàn. 

Ở bé gái ống PTM tận cùng ở bên trên môi lớn và tạo thành ống Nuck. Bên trong là dây chằng tròn.

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 2

B-   Bệnh lý ống Phúc Tinh Mạc bẩm sinh

Bình thường ở cuối thời kỳ bào thai ống phúc tinh mạc sẽ tự teo lại thành một sợi xơ. Ở bé trai phần dưới cùng sẽ tạo thành bao tinh hoàn (bao phủ ¾ mặt trước của tinh hoàn). Nếu vì lý do nào đó ống không xơ hóa thì sẽ tạo ra các dạng bệnh lý ống PTM sau đây:

1- Nếu ống PTM rộng, ruột và các tạng trong bụng có thể chạy xuống vùng bẹn – bìu trong ống  và gây ra thoát vị bẹn bẩm sinh.

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 3

2- Nếu ống PTM teo lại, xơ hóa từng đoạn sẽ gây ứ dịch khu trú dọc theo thừng tinh tạo thành nang thừng tinh ở bé trai.

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 4

3- Nếu ống PTM teo lại trên toàn bộ ống nhưng vẫn còn một ống nhỏ bên trong khiến dịch từ ổ bụng chảy xuống được đến bìu, làm cho bao tinh hoàn chướng nước sẽ tạo thành tràn dịch màng tinh hoàn (còn gọi ứ nước bao tinh hoàn) bẩm sinh.

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 5

4- Ở bé gái, nếu còn oóng phúc tinh mạc sẽ tạo ra Thoát vị ống Nuck (thoát vị bẹn ở bé gái).

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 6

5- Trong quá trình di chuyển, nếu tinh hoàn không xuống đến bìu mà dừng lại sẽ gây ra Tinh hoàn xuống dỡ dang.

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 7

C- XỬ TRÍ CÁC DẠNG BỆNH LÝ ÓNG PHÚC TINH MẠC BẨM SINH: 

 1- Thoát vị bẹn bẩm sinh ở bé trai

Thoát vị có thể một bên hoặc cả hai bên, phát hiện dưới dạng một khối u mềm nằm trên nếp  bẹn. U thay đổi thể tích: thu nhỏ khi trẻ nằm và phình to khi  khóc hoặc chạy nhảy. Thăm khám thường đẩy khối thoát vị lên dễ dàng. Kiểm tra lỗ thoát vị rộng hơn so với phía đối diện.

Biến chứng:

Nghẹt cũng thường xảy ra vì ống phúc tinh mạc trong quá trình hình thành không phải là một ống  thẳng mà có 3 chỗ hẹp tự nhiên: ở lỗ bẹn sâu, ở lỗ bẹn nông và ở chỗ vòng lên của ống để tạo thành tinh mạc.

Triệu chứng để phát hiện Thoát vị bẹn nghẹt là khối thoát vị trở nên đau và không đẩy lên được. Nếu đến muộn hơn là bệnh cảnh của tắc ruột.

XỬ TRÍ

Trường hợp không nghẹt

– Cho băng ép vùng bẹn. Khi trẻ lớn (thường từ 2 – 4 tuổi) thì mổ. Trong quá trình ấy theo dõi để thoát vị không bị nghẹt. Nếu nghẹt phải mổ cấp cứu. 

– Phẫu thuật khâu bít cổ ống phúc tinh mạc sát lỗ bẹn sâu sau khi đã đẩy tạng thoát vị lên ổ bụng. Chú ý tránh không buộc cổ túi thoát vị (vì dễ buộc luôn ống dẫn tinh), không nên bóc túi thoát vị (vì dễ bị rách). Kiểm tra ống phúc tinh mạc bên kia để tránh bỏ sót thương tổn phối hợp.

Trường hợp nghẹt

Chỉ định mổ cấp cứu, giải phóng tạng thoát vị và khâu cổ túi thoát vị (cổ ống phúc tinh mạc sát lỗ bẹn sâu). Không bóc túi thoát vị như người lớn. 

2- Thoát vị bẹn ở bé gái (Thoát vị ống Nuck)

Tỷ lệ gặp thường ít hơn so với bé trai nhưng lại đặt ra một vấn đề cần thảo luận trong điều trị đó là thoát vị buồng trứng kết hợp (rất hiếm gặp). Sau khi đẩy ruột lên có thể sờ thấy buồng trứng hiện diện dưới một khối nhỏ tròn lăn ở dưới ngón tay và không đẩy lên được. Trong trường hợp này cần có chỉ định phẫu thuật sớm.

Đối với thoát vị ống Nuck, cổ túi có thể thắt chung với dây chằng tròn đã được cắt  bỏ, lỗ  bẹn được khâu kín hoàn toàn nên tỷ lệ tái phát hầu như không xảy ra.

3- Nang thừng tinh

Đó là một khối tròn hoặc bầu dục, thể tích thay đổi (1-5cm) nằm trên đường đi của  thừng tinh. Khối thường trơn láng, không đau, nắn không nhỏ lại. Tinh hoàn sờ thấy rõ ở vị trí bình thường, bên dưới của khối u.

Chỉ định phẫu thuật ở trẻ lớn: bóc bỏ u nang thừng tinh thường đơn giản.

4- Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh

Có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc sau một thời gian.

Bìu dái căng vừa không đau. Không sờ được tinh hoàn. Rọi ánh sáng xuyên thấu thể tích của bìu có thể thay đổi trong ngày; to lên khi đi lại chạy nhảy nhiều lần và thu nhỏ hơn khi nằm ngủ. Sự  thoái hồi tự nhiên của  bệnh có thể  xảy ra trong hai năm đầu của  đời sống.

Chỉ định phẫu thuật: mổ ở trẻ sau 2 tuổi: Mở bao tinh hoàn, khâu bít lỗ thông của ống  phúc tinh mạc kèm hay không mở cửa sổ màng tinh hoàn.

5- Tinh hoàn xuống dỡ dang:

Vào thời kì bào thai, cùng với sự phát triển của thai nhi, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng và xuống nằm đúng vị trí trong bìu tại thời điểm ngay trước khi sinh ra. Nhưng vì một số nguyên nhân, quá trình này bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng đứa trẻ đẻ ra bị tinh hoàn xuống dỡ dang.

Tinh hoàn xuống dỡ dang là bất thường bẩm sinh rất phổ biến ở hệ sinh dục của trẻ em, xảy ra ở 30% số trẻ trai đẻ non và khoảng 4% trẻ đủ tháng. Trong vòng 2 năm sau sinh, tinh hoàn có thể tiếp tục quá trình di chuyển và xuống đến đúng vị trí trong bìu. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số tinh hoàn bị ẩn tinh hoàn có thể tự di chuyển trong thời kỳ này. 

Trong quá trình đi xuống, tinh hoàn có thể ngưng lại ở bên trong ống bẹn (tinh hoàn ẩn trong ống bẹn), hay bên ngoài ống bẹn (tinh hoàn ẩn ngoài ống bẹn). Tùy theo vị trí kẹt lại của tinh hoàn mà có chỉ định can thiệp sớm hay muộn. Những yếu tố cần tham khảo khi quyết định phẫu thuật hạ tinh hoàn gồm:

– Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ổ bụng (37oC) và bìu (29-31oC): Tinh hoàn nằm trong môi trường ổ bụng có nhiệt độ cao có nguy cơ dẫn đến hư hỏng hệ thống sinh tinh (khiến cho tinh hoàn không tạo được tinh trùng). Ngoài ra nhiệt độ cao trong thời gian dài cũng có thể gia tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn khi trẻ lớn lên.

– Chọn thời điểm phẫu thuật thuận lợi nhất cho trẻ để tránh tác dụng có hại khi gây mê. Nhiều tài liệu cho thấy gây mê cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có nhiều nguy cơ và 20-30% có ảnh hưởng đến thần kinh trung ương và trí nhớ của trẻ về sau.

Do đó cần cân nhắc:

– Đối với Tinh hoàn ẩn trong ống bẹn: Nên hạ tinh hoàn ở trẻ được 12 tháng vì nguy cơ tổn thương tinh hoàn do chênh lệch nhiệt độ rất cao.

– Đối với Tinh hoàn ẩn ngoài ống bẹn: Nên hạ tinh hoàn sau 24 tháng vì nguy cơ tổn thương tinh hoàn do chênh lệch nhiệt độ thấp, gây mê an toàn hơn và cơ may tinh hoàn di chuyển xuống bìu cao.

D-     CÁC DẠNG BỆNH LÝ ỐNG PHÚC TINH MẠC MẮC PHẢI:

1-    Thoát vị bẹn trực tiếp (Thoát vị bẹn mắc phải):

Thoát vị bẹn trực tiếp xảy ra khi khối thoát vị chui qua nơi yếu nhất của thành bụng là hố bẹn trong, thường gặp ở người trưởng thành. Loại thoát vị này chỉ xảy ra ở nam giới. Thoát vị trực tiếp xảy ra dần dần khi liên tục có áp lực trong ổ bụng gia tăng đè nặng lên thành bụng. Các yếu tố sau đây có thể gây áp lực lên các cơ bụng và gây ra thoát vị: có sự xoắn đột ngột co kéo hoặc thủng cơ, khiêng vác vật nặng, táo bón lâu ngày, tăng cân và bệnh ho mạn tính, cơ thể gầy. Hướng xuất hiện khối phồng đi chéo theo nếp bẹn từ trên xuống và từ ngoài vào trong, bên cạnh thừng tinh (bên ngoài ống phúc tinh mạc), có thể xuống tới bìu.

Ở người lớn, ống phúc tinh mạc đã xơ hóa bao quanh thừng tinh, túi thoát vị mới thành lập nằm riêng biệt bên cạnh thừng tinh (nhưng không dính vào nó). Điều này rất quan trọng, phẫu thuật viên cần chú ý về kỹ thuật xử lý khi mổ hoàn toàn khác nhau giữa Thoát vị bẹn bẩm sinh và mắc phải để không làm tổn thương đến ống dẫn tinh của bệnh nhân. Phẫu thuật gồm các công đoạn: Rạch da. Đẩy tạng bụng lên. Bóc túi thoát vị. Buộc cổ túi, cắt bỏ túi thoát vị. Phục hồi thành bụng (theo nhiều phương pháp).

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 8

2- Ứ nước bao tinh hoàn mắc phải (đa số ở người lớn): Ở người lớn, ¾ mặt trước tinh hoàn được che bởi bao tinh hoàn. Bao tinh hoàn là phần cuối cùng của ống phúc tinh mạc, phần trên đã teo lại thành một bao xơ bao quanh thừng tinh. Bao tinh hoàn như một cái túi, bên trong có 1 lớp chất lỏng (thành phần giống huyết thanh, do lớp phúc mạc mặt trong tiết ra). Bình thường, một lượng nhỏ dịch tiết ra trong bao tinh hoàn và được hấp thụ qua hệ thống tỉnh mạch thừng tinh. Khi bao tinh hoàn bị viêm mãn, thường do lao, lượng dịch tiết ra trong bao tinh tinh hoàn tăng lên trong khi lượng dịch hập thu giảm đi khiến cho dịch tồn đọng trong bao tinh hoàn ngày càng nhiều khiến bao tinh hoàn căng to.

Bệnh lý ống phúc tinh mạc 9

Về điều trị, phẫu thuật chướng nước bao tinh hoàn mắc phải khác hẳn ứ nước bao tinh hoàn bẩm sinh. Phẫu thuật gồm: Rạch da bìu và lớp dartos. Mở mặt trước bao tinh hoàn. Xén bớt phần vỏ bao dày. Khâu lộn bao tinh hoàn (lộn mặt trong ra ngoài kiểu hình vành khăn) để dịch tiết bên trong bao tinh hoàn có thể thấm ra ngoài.

BS Nguyễn Ngọc Hiền

Dịch vụ Y tế Khánh Hòa
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Cameras (0)
  • Phones (0)
Compare